Chứng khoán sẽ diễn biến thế nào trong 2 tháng cuối năm?
Chốt phiên giao dịch ngày 8/11, VN-Index giảm 7,19 điểm, tương đương 0,57%, xuống mức 1.252,56 điểm. Đây đã là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của VN-Index. Điểm đáng chú ý là khối ngoại phiên này bán ròng gần 1.162 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 1.054,7 tỷ đồng, qua đó đánh dấu 7 phiên bán liên tiếp (tính từ phiên 30/10). Đây cũng là phiên bán mạnh nhất của khối ngoại trên sàn HoSE trong 3 tháng trở lại đây (phiên 7/8 bán ròng gần 1.325 tỷ đồng).
Như vậy, sau phiên giao dịch hứng khởi ngày 6/11 (VN-Index tăng 6,08%), thị trường quay trở lại tâm lý chán nản, giao dịch ảm đạm.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định rằng thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin, những yếu tố tích cực chưa rõ ràng, tâm lý nhà đầu tư cũng bị dao động mạnh bởi các căng thẳng và xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới. Điều này dẫn đến dòng tiền đổ vào thị trường dần trở nên thận trọng. Không chỉ diễn biến tiêu cực về mặt điểm số, thanh khoản VN-Index cũng liên tục giao dịch ở mức thấp. Bối cảnh chính trị thế giới căng thẳng, bất ổn thị trường kéo dài khiến dòng tiền có xu hướng rời bỏ các tài sản và/hoặc thị trường rủi ro, biến động mạnh để tìm đến các kênh trú ẩn an toàn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng vào các quỹ ETF được hỗ trợ bởi dòng vốn từ Bắc Mỹ và châu Á.
“Có nhiều câu chuyện tích cực gần đây, song tất cả đều chưa thể hỗ trợ cho VN-Index. Thông tin Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) giảm lãi suất cơ bản đã được dự báo trước, thị trường gần như không có phản ứng. Mặt khác, mức lãi suất hiện tại của FED vẫn ở mức khá cao (4,5 – 4,75%). Ngoài ra, thông tin mùa BCTC quý III/2024 đã qua, điểm nghẽn ‘prefunding’ cũng được tháo gỡ như dự định… Rõ ràng, thị trường chưa thể hấp thụ một số thông tin tích cực do tâm lý thận trọng bao trùm”, ông Phương phân tích.
Một nỗi lo ngại khác của thị trường đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và các tổ chức phát hành chậm các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến TPDN. Theo dữ liệu từ MBS, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán hiện ước khoảng 206,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 69% giá trị chậm trả. MBS ước tính khoảng 34,2 nghìn tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong quý IV/2024, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm nay là 69,1 nghìn tỷ đồng vào quý II/2024.
Trước diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán trong nước, ông Phương lý giải: “TTCK Việt Nam chịu áp lực tỷ giá USD/VND khiến dòng vốn ngoại phải gánh mức chi phí khá lớn. Đây cũng là nguyên nhân lý giải áp lực bán ròng mạnh tay của khối ngoại”.
Theo nhận định của ông Phương, khó có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng điểm của VN-Index, trừ khi KQKD quý IV/2024 của các doanh nghiệp tích cực, vấn đề trái phiếu được các tổ chức phát hành lớn xử lý gọn gàng hơn, và “điểm sáng” nâng hạng thị trường rõ ràng hơn từ phía FTSE.
Vị chuyên gia này cho rằng thị trường trong các tháng cuối năm sẽ giao dịch theo chiều hướng đi ngang ổn định và tăng dần.
Về mặt chiến lược, ông Phương khuyến nghị nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể mua các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng tích cực trong các phiên VN-Index giảm điểm. Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu giá vốn cao cần thực hiện tái cấu trúc danh mục. Các nhóm ngành cần để ý là bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, vật liệu xây dựng, nhóm chứng khoán, logistics…
Ở góc nhìn dài hạn, giới phân tích đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng nới lỏng hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và Việt Nam (có thặng dư thương mại lớn với Mỹ) cũng sẽ được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ tăng thuế lên hàng nhập khẩu cũng đem đến nhiều thuận lợi với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển FDI, mà nhóm chịu tác động tích cực nhất là các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.