Chứng khoán tuần: Thị trường phản ứng ra sao trước rối loạn thông tin?
Thông tin đột biến vẫn luôn là biến số khó dự đoán nhất trong tất cả các chiến lược giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các phân tích thị trường chỉ bao quát được những yếu tố mới nhất cho đến thời điểm đưa ra phân tích. Nếu có biến số mới sau đó đủ quan trọng, toàn bộ phân tích phải được xem xét lại xem có còn phù hợp với bối cảnh mới hay không.
Cuối tuần qua có nhiều thông tin về một số vụ án liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dầu khí. Liệu các thông tin đó có đủ lớn để tác động đến xu hướng thị trường hay không?
Mức độ đột biến của thông tin này đến đâu thì khó khẳng định được vì thị trường bao gồm nhiều thành phần có mức độ nhạy khác nhau. Có thể có người biết trước, có người dự đoán được nhưng không rõ thời điểm, có người bị bất ngờ. Điều này sẽ dẫn đến các mức độ phản ứng khác nhau.
Đặc biệt đối với đa số nhà đầu tư không nắm được thông tin, yếu tố cảm tính dễ bị xen vào trong quá trình đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin. Lấy ví dụ, nếu nhà đầu tư trót mua vào cuối tuần trước, sau đó mới biết được thông tin, thì dễ bị chia vào hai trường hợp chính: Lo lắng thái quá vì sợ thị trường sập đến nơi; hoặc tự huyễn hoặc một cách vô căn cứ rằng tình hình chẳng có gì đáng lo, mọi thứ đã phản ánh vào giá.
Phản ứng trên thị trường chứng khoán là cực kỳ khó đoán vì đó là tổng hợp suy nghĩ và hành động của đám đông. Yếu tố đúng hay sai là rất tương đối vì nếu số đông nghĩ sai, hành động sai, nhưng đủ mạnh thì sẽ dẫn thị trường đi theo suy luận sai - và lúc đó thị trường lại là đúng. Những người suy nghĩ thấu đáo, phân tích đúng về sự kiện, nhưng có thể lại chịu thiệt hại nặng nề vì đi ngược đám đông. Quá trình thị trường nhận ra thế nào là đúng, thế nào là sai đôi khi mất nhiều thời gian và thiệt hại đã xảy ra.
Để trả lời câu hỏi thông tin bất thường cuối tuần rồi có tác động tiêu cực hay không ảnh hưởng gì tới thị trường là không dễ. Một câu hỏi ngược lại có lẽ dễ trả lời hơn là: Liệu không xuất hiện thông tin bất thường đó thì thị trường sẽ như thế nào?
Thị trường cho đến phiên cuối tuần trước (trước khi có thông tin được phổ biến chính thức và rộng rãi), là đang điều chỉnh giảm sang phiên thứ 4. Kể từ giữa tháng 8/2017, thị trường tăng trưởng liên tục và không có nhịp điều chỉnh nào mạnh hơn 1,5% đối với chỉ số VN-Index. Duy nhất 4 phiên vừa qua mức độ điều chỉnh 3,6% là lớn hơn tất cả các nhịp điều chỉnh đã diễn ra trong sóng tăng kể từ cuối tháng 8. Về mặt xu hướng, đây là thay đổi trong cường độ biến động ngược chiều đáng chú ý và có tiềm năng thay đổi xu thế ngắn hạn.
Liệu 4 phiên sụt giảm mạnh nói trên có phải là kết quả của hành động sớm từ những nhà đầu tư biết trước thông tin hay không? Rất khó kiểm chứng điều này và mang màu sắc của thuyết âm mưu nhiều hơn. Tuy nhiên kể cả khi đó là sự thật, thì việc một lượng lớn tiền được rút ra khỏi thị trường trước lo ngại về thông tin thì có lẽ thông tin đó có sức nặng đáng kể. Đơn giản vì những thông tin loại đó không dễ gì biết sớm như vậy. Những người đã biết sớm phải là những nhà đầu tư có “số má”. Nếu họ đã lo sợ thì có lẽ các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng nên lo sợ.
Trong tình huống hợp lý hơn là thông tin đủ bảo mật để gây bất ngờ cho thị trường, thì ảnh hưởng của nó sẽ được xác nhận từ chính diễn biến của thị trường. Việc phân tích luôn chịu ảnh hưởng của yếu tố chủ quan và nghiêng về một bên nào đó có lợi cho mình. Chẳng hạn nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu khi đón nhận thông tin như vậy sẽ cố gắng tìm ra đủ lý lẽ, chứng cớ để chứng minh rằng thông tin sẽ không tác động gì xấu. Lối phân tích chủ quan thường chủ ý bỏ qua các chứng cớ bất lợi cho quan điểm.
Một thực tế có thể định lượng được trên thị trường đó là: Chỉ số và giá cổ phiếu sụt giảm; thanh khoản sụt giảm; Mức độ phục hồi giá yếu; thị trường đang ở đỉnh cao cả thập kỷ và cổ phiếu tăng giá hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn. Với các dự kiện thực tế đó, thị trường có nguy cơ bị tổn thương hơn trước các thông tin gây bất ngờ.
Thông tin bất ngờ đôi khi chỉ là một cái cớ để nhà đầu tư lựa chọn quyết định hành động. Chẳng hạn các nhà đầu tư có lời lớn đang chờ đợi thị trường đi lên cao hơn mới bán ra, nhưng trước thông tin bất ngờ, họ có thể chọn cách bảo toàn lợi nhuận ngay. Những nhà đầu tư đang cầm tiền chờ đợi cơ hội mua có thể ngần ngừ giải ngân vào lúc này vì chưa rõ thị trường sẽ phản ứng như thế nào với thông tin. Tập hợp các hành động như vậy sẽ điều khiển hướng đi của thị trường. Nếu thị trường sụt giảm, hãy chấp nhận rằng số đông nhà đầu tư đang chọn cách phản ứng tiêu cực.
Một bức tranh có thể giúp làm sáng tỏ hơn khả năng lựa chọn hành động vào lúc này: VN-Index từ đầu năm đến đỉnh cách đây vài phiên đã tăng 45,9%. Sàn HSX từ đầu năm đến ngày VN-Index đạt đỉnh có 150 cổ phiếu tăng trên 25%, mức lợi nhuận một năm đầu tư làm hài lòng đa số quỹ. Khoảng 130 cổ phiếu đem lại mức sinh lời 30%, thành tích rất nổi bật trong việc đánh giá lợi nhuận đầu tư hàng năm. Khoảng 85 cổ phiếu đem lại lợi nhuận trên 50%, tỷ lệ lợi nhuận mơ ước của tất cả các quỹ đầu tư trên toàn cầu. Và để cho đủ điên rồ thì cũng đã có 21 cổ phiếu tăng trên 100%.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận trung hạn tốt đến như vậy, các tổ chức đầu tư rất dễ chốt lời. Kể cả khi có hay không có thông tin đột biến xuất hiện, thị trường vẫn sẽ đứng trước áp lực bán ra lớn. Vì vậy thị trường đang có sức đề kháng yếu và có khả năng khuếch đại ảnh hưởng của thông tin.