Chứng khoán Việt cần ít nhất 2 năm để nâng hạng lên thị trường mới nổi
VND cũng dự báo, trong trường hợp được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo xếp hạng của FTSE, Việt Nam có thể thu hút hơn 1 tỷ USD từ các quỹ đầu tư theo dõi chỉ số MSCI Emerging Markets Index và MSCI Emerging Markets Index cũng như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Ảnh minh họa |
Chưa nâng hạng nhưng vẫn được đánh giá tích cực
Tại kỳ đánh giá, phân loại thị trường hàng năm vào tháng 6/2019 vừa qua, mặc dù chưa được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tuy nhiên, tổ chức Morgan Stanley Capital International (MSCI) vẫn duy trì xếp hạng thị trường cận biên đối với Việt Nam.
Theo kết quả được công bố của MSCI, Việt Nam đáp ứng tất cả các tiêu chí định lượng. Mặc dù vậy, một số tiêu chí vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ như độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài), các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh (tin tức, báo cáo của doanh nghiệp hay các quy định của Chính phủ).
Bên cạnh đó, việc thiếu một trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán độc lập và chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh cũng là những nguyên nhân khiến Việt Nam bị giảm điểm trong đánh giá của MSCI.
Ngoài việc chưa được MSCI nâng hạng thị trường, tháng 9/2019, chứng khoán Việt Nam cũng không được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp tại kỳ đánh giá phân loại thị trường.
Theo VND, việc Việt Nam không được nâng hạng trong đánh giá của FTSE chủ yếu do không đáp ứng được một số tiêu chí định tính như tiêu chí “Giao dịch - tỷ lệ giao dịch thất bại” và “Thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán” bị đánh giá ở mức ‘Hạn chế’.
Đặc biệt, FTSE đánh giá quy trình đăng ký giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn phức tạp.
Cần ít nhất 2 năm để lên thị trường mới nổi
Theo VND, Luật Chứng khoán sửa đổi đã chính thức được thông qua vào ngày 26/11/2019 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Dự kiến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ được trình Quốc hội để phê duyệt trong kỳ họp tiếp theo vào tháng 6/2020.
Theo luật mới, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp. Đây là tin tốt cho các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó. Điều này sẽ thu hút thêm vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những thay đổi trong các luật này sẽ góp phần xóa bỏ những rào cản hiện tại đối với quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là việc giới hạn sở hữu nước ngoài và các quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài.
Từ những phân tích trên, nhận định về khả năng nâng hạng thị trường trong năm 2020, VND cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 đến 3 năm tới.
Về phía MSCI, trong kịch bản tốt nhất, VND dự báo Việt Nam sẽ được thêm vào danh sách theo dõi để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong đợt đánh giá thường niên vào tháng 6/2021 và được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi trong đợt đánh giá thị trường thường niên vào tháng 6/2022.
Đối với FTSE, Việt Nam có thể được nâng hạng chính thức lên thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt đánh giá thị trường thường niên vào tháng 9/2021.
“Việt Nam có thể thu hút hơn 1 tỷ USD từ các quỹ đầu tư theo dõi chỉ số MSCI Emerging Markets Index và MSCI Emerging Markets Index cũng như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF”, VND dự báo trong trường hợp được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo xếp hạng của FTSE.