Chung sức đưa sầu riêng vươn xa
Trái sầu riêng Việt đứng trước cơ hội và thách thức Sẽ tạm dừng mã số sầu riêng, thanh long nếu vi phạm kiểm dịch khi xuất khẩu Tiền Giang: Gần 2.900 tỷ đồng cho vay trồng và chế biến sầu riêng |
Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”. |
Ngày 11/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 - chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Sầu riêng Việt Nam đã và đang trở thành một ngành hàng giữ vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp các địa phương trồng sầu riêng, với giá trị xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, cho biết: Sầu riêng đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, vua các loại trái cây này mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã cảnh báo một năm trước, đó là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...
“Do đó, Diễn đàn hôm nay là lúc các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà vườn, các hợp tác xã, thương lái cùng “ngồi với nhau”, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng, từ đó cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật; hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói.
Cùng chung quan điểm cần “đi cùng nhau”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho rằng trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác, gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022). Tính đến tháng 8/2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.
Sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2023, từ trên 30.000 tấn lên ước đạt 190.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm. Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.
Tại diễn đàn, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa đã chia sẻ việc tăng giá sầu riêng quá nóng tại thị trường Trung Quốc gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng; đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân, ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua”, ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa, kiến nghị.
Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cũng nêu thực trạng về loạn giá, bẻ cọc làm gãy mối liên kết ngành hàng sầu riêng và những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các hợp tác xã, người nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm, một trong những khó khăn lớn là của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững.
“Ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã - nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết”, bà Thanh phản ánh.
Ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), kêu gọi các doanh nghiệp sầu riêng bắt tay thay vì đối đầu.
“Các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả”, ông Trung nói và kiến nghị Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk kết nối các doanh nghiệp có đủ năng lực, tiềm năng tham gia vào chuỗi sản xuất để đưa sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng vươn xa, từ nhà vườn đến thị trường.