Chương trình Mục tiêu Quốc gia: Tháo gỡ bất cập để tăng tốc triển khai
Còn nhiều bất cập
Đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bà Đỗ Thị Lan đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Kế hoạch và Đầu tư) trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG). Bộ đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi về các CTMTQG; hoàn thành phần lớn việc xây dựng, trình ban hành các văn bản về cơ chế, quản lý, điều hành chung các CTMTQG; kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG, thực hiện vai trò thường trực Ban chỉ đạo, chủ động báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình, tham mưu Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thực hiện cân đối nguồn lực, thẩm định, tổng hợp phương án phân bổ và hoàn thành phần lớn việc trình giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương; quan tâm thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá thực hiện các CTMTQG.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại hạn chế. Trong năm 2022, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 các bộ, ngành và địa phương mới chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách triển khai thực hiện các chương trình. Bên cạnh đó, việc giao kế hoạch vốn chậm, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu 5 năm, hằng năm, việc phân bổ vốn, giao vốn đến cấp huyện, cấp xã và triển khai thực hiện các dự án, nội dung thành phần và giải ngân của các chương trình.
Ảnh minh họa |
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng văn bản ban hành chưa bảo đảm tính kịp thời; nhiều quy định trong các văn bản đã ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là Nghị định 27, hầu hết các cơ chế, chính sách quy định chưa thể tổ chức thực hiện có hiệu quả, như: cơ chế lồng ghép nguồn lực các CTMTQG, cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, cơ chế đặc thù đầu tư dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp...
Bên cạnh đó có bộ, ngành còn nội dung chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định; một số nội dung của Nghị định 27 và Quyết định phê duyệt các CTMTQG của Chính phủ chưa phân công bộ, ngành liên quan hướng dẫn; nhiều địa phương chưa ban hành đủ số lượng văn bản theo quy định của Nghị định số 27 để thực hiện các CTMTQG.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao liên quan đến nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 27; việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương chậm; Công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn kéo dài.
Bộ có trách nhiệm phối hợp trong việc giao kế hoạch vốn, phân bổ vốn, tuy nhiên việc giao vốn sự nghiệp ngân sách trung ương còn rất nhiều bất cập: chưa phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương theo giai đoạn vì còn chưa thống nhất giữa các quy định của Chính phủ tại Quyết định, Nghị định về thực hiện CTMTQG với Luật Ngân sách nhà nước...
Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 đạt thấp, nhiều nội dung của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa triển khai; một số nội dung thành phần của CTMTQG xây dựng nông thôn mới còn vướng mắc.
Với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, chương trình công tác của Ban chỉ đạo năm 2023 đến nay chưa được ban hành, Bộ chưa báo cáo tổng hợp vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các chương trình, chưa đánh giá công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp báo cáo về kết quả, tiến độ thực hiện các CTMTQG định kỳ 6 tháng và hằng năm theo quy định…
Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ vướng mắc để phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình năm 2024 và 2025, đảm bảo việc phân bổ nguồn vốn cân đối, hài hòa, hợp lý, tạo chủ động cho địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu, tránh tình trạng bố trí vốn không kịp thời, dồn vào cuối năm và năm cuối của các Chương trình. Đồng thời với đó là tăng cường giám sát việc thực hiện các CTMTQG, thúc đẩy việc phân bổ nguồn vốn các CTMTQG đã được Quốc hội quyết định.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn hoạt động Ban Chỉ đạo trung ương, sớm ban hành chương trình công tác của Ban Chỉ đạo năm 2023. Chủ động báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc các cơ chế, chính sách trong Nghị định 27 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế, chính sách thực hiện 3 CTMTQG; tổng rà soát giải quyết sớm những vướng mắc, bất cập mà các địa phương đã phản ánh, kiến nghị. Chỉ đạo các bộ, ngành ban hành đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các CTMTQG, rà soát, sửa đổi các văn bàn hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án đối với các nội dung còn chưa phù hợp, chưa thống nhất...
Gỡ khó để tăng tốc thực hiện 3 chương trình
Giải trình làm rõ thêm vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cơ bản đồng tình và nhất trí với các đánh giá của Đoàn giám sát và cho rằng rất sát và đúng với tình hình thực tế hiện nay.
Song ông Dũng cũng cho rằng, việc triển khai 3 chương trình có rất nhiều đặc thù. Lần đầu tiên chúng ta lồng ghép cả ba chương trình và giao cho một cơ quan điều phối chung mà trước đó chưa bao giờ chúng ta làm như vậy. Do vậy, vấn đề phức tạp hơn và khó hơn trong cả điều hành và tiêu tốn thời gian nhiều hơn.
Thứ hai, trong ba chương trình, có hai chương trình là cũ, chúng ta đã thực hiện nhưng có một chương trình mới, thậm chí rất mới lần đầu tiên chúng ta triển khai là lồng ghép lại 118 chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc miền núi vào trong một chương trình và toàn bộ phụ thuộc vào Ủy ban Dân tộc.
“Dù Ủy ban này đã rất cố gắng nhưng do chưa có kinh nghiệm nên còn hạn chế nhất định trong xây dựng và thực hiện. Bên cạnh đó, các chương trình có nhiều chính sách, phạm vi lại rộng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, trong khi quy mô dự án rất nhỏ, nằm rải rác đến đến tận xã, phường... lại phụ thuộc vào trình độ nhận thức và năng lực tuyến cơ sở nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện các chương trình”, ông Dũng trình bày và cho biết thêm:
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là cơ quan thực hiện các chương trình. Các chương trình nằm ở 3 bộ nhưng lại giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực. Nếu các bộ, các ngành không phối hợp, chúng tôi rất khó khăn trong cập nhật thông tin, tình hình, số liệu để cùng xây dựng các chính sách”.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, lần này chúng ta đã cơ bản triển khai một cách bài bản và đạt được một số kết quả nhất định mặc dù có lúng túng, có chậm và có một số bất cập. Song để phù hợp với tình hình mới, ông đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ cũng như điều chỉnh một số chính sách đang vướng mắc và đang bất cập hiện nay …
Chia sẻ với những kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gặp phải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kỳ vọng, sau giai đoạn tổng kết đánh giá này, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 3 chương trình thời gian qua sẽ được tháo gỡ. Sang giai đoạn tới sẽ là giai đoạn tăng tốc thực hiện và 3 chương trình sẽ có hiệu quả hơn và mang lại lợi ích thiết thực cho bà con thụ hưởng lợi ích từ các chương trình này.