Chương trình phục hồi: Quan trọng hơn là rút ra nhiều kinh nghiệm
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội |
Nhanh, kịp thời và khả thi
Thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, các đại biểu thống nhất Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất - kinh doanh |
Các ý kiến tập trung phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế - xã hội do các yếu tố khách quan. Các đại biểu cũng đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, một trong những bài học để làm tốt hơn trong tương lai là tính kịp thời trong tổ chức thực hiện. Bài học quan trọng khác được nữ đại biểu đưa ra là về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bởi có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, như chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích…
“Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân, doanh nghiệp để hiểu hơn họ thực sự muốn gì, cần gì”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói và cho rằng: “Đến nay, Nghị quyết 43 đã đi đến chặng đường cuối cùng, chúng ta trân trọng những kết quả đạt được nhưng cũng có những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, với tất cả những trải nghiệm, với tất cả những bài học đúc rút, chúng ta vẫn có quyền tin rằng sẽ làm tốt hơn ở chặng đường tiếp theo”.
Từ thực tiễn quá trình triển khai Nghị quyết 43, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) kiến nghị trong quá trình đề xuất chính sách, cần dành thời gian cho khảo sát, đánh giá sát thực tiễn để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách. Khi thực hiện, nếu có vướng mắc phải kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực gắn với trách nhiệm cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, khắc phục sự rườm rà về thủ tục hành chính, tăng hiệu quả, chất lượng công việc.
Đối với các dự án được sử dụng vốn của chương trình này, đại biểu Mạnh đề xuất cho phép kéo dài thực hiện đến 31/12/2024 để tránh dang dở công trình nhưng phải gắn trách nhiệm đối với các chủ đầu tư, nếu không giải ngân hết do nguyên nhân chủ quan. “Đặc biệt, theo Báo cáo giám sát, một số dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đề nghị Chính phủ phải kiên quyết điều chỉnh, chuyển nguồn sang dự án khác để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước”, vị đại biểu nói.
Để thủ tục không còn là vấn đề “cứ vướng mãi”
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hết sức cố gắng và nỗ lực. Chính phủ đã ban hành tổng cộng khoảng 20 nghị định, 1 chỉ thị, 7 công điện, thành lập 5 tổ công tác, 26 đoàn công tác, phân công cho tất cả các thành viên Chính phủ phải xuống từng địa phương để giải quyết các ách tắc, vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư công, của từng dự án thuộc Chương trình phục hồi. “Cả hệ thống của chúng ta vào cuộc, chưa bao giờ làm quyết liệt như thế để đạt được các kết quả như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận các vấn đề đại biểu đã nêu, cũng như đã được phân tích trong Báo cáo giám sát của Quốc hội. “Nhiều đại biểu đặt vấn đề rất đúng là tại sao thủ tục chúng ta cứ vướng mãi, kỳ họp nào cũng nói, đó là thực tế. Về kinh nghiệm, năng lực của chúng ta còn hạn chế, phối hợp giữa các cơ quan còn bất cập và chưa tốt. Bên cạnh đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây cũng là nguyên nhân làm cho các kết quả thực hiện một số chính sách còn chậm, chưa hiệu quả...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến năm bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Chương trình phục hồi: Thứ nhất, phải xem lại các phương thức hỗ trợ cho phù hợp để hỗ trợ kịp thời, mang lại tác động và hiệu quả nhanh hơn. Thứ hai, thời gian của chương trình ngắn thì không nên đưa các dự án lớn vào, hoặc dẫn đến phải cho kéo dài thời gian thực hiện. Gắn với đó, các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát, dễ thực hiện; chương trình đặc biệt thì phải có chính sách, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt.
Thứ ba, việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ và thống nhất, không để gỡ vướng được chỗ này thì lại vướng chỗ kia. Thứ tư, xây dựng chính sách pháp luật thì phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương - địa phương; cấp trên - cấp dưới, cấp trên; tiếp tục phân cấp, phân quyền triệt để hơn. Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu trong việc tổ chức xây dựng chương trình và thực hiện cũng như phối hợp. Đối với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang nghiên cứu, rà soát, sửa lại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… để đáp ứng được các yêu cầu rút ngắn thời gian triển khai thực hiện.