Chuyển biến tích cực về pháp luật thực hiện CPTPP
Tư duy làm luật đã được nâng tầm
Tính đến nay, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam được gần 3 năm. Khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi hiệp định này.
Phát biểu tại Hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP - Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 2 năm qua, các thành viên CPTPP nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu. Do đó, những chuyển biến về thương mại và đầu tư dưới tác động của CPTPP chưa được phát huy một cách thật rõ ràng. Mặc dù vậy, một sự thay đổi khác, tuy có vẻ trầm lắng hơn nhưng không kém phần quan trọng, đó là những chuyển động về thể chế, mà trước hết là công tác XDPL thực thi các cam kết của Việt Nam trong CPTPP.
Việc xây dựng và thực thi pháp luật về CPTPP đã có nhiều chuyển biến tích cực |
Cụ thể, tổng hợp của VCCI cho thấy theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành thì có tổng cộng 07 Luật, 06 Nghị định và 06 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động XDPL này dự kiến chia làm 02 đợt: Đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn.
Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 04 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.
Trình bày báo cáo nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết: Về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các VBQPPL này đều tương thích với cam kết CPTPP mà chúng “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn.
Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, mặc dù tất cả đều được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn quy trình thông thường theo Luật Ban hành VBQPPL, nếu so sánh với mốc 14/1/2019 theo yêu cầu CPTPP thì trung bình mỗi văn bản này ban hành chậm 246 ngày. Tuy nhiên, tất cả các văn bản này đều bảo đảm hiệu lực thực thi từ 14/1/2019 theo đúng cam kết CPTPP, bằng nhiều cách thức khác nhau như hồi tố thời điểm hiệu lực, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi tạm thời.
Về tính minh bạch, rà soát cho thấy tất cả các văn bản đều được công khai dự thảo để lấy ý kiến của công chúng, nhưng đa số không kèm theo bất kỳ tài liệu giải thích, giải trình nào gây khó khăn nhất định cho việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể liên quan.
Nhìn lại quá trình sửa đổi pháp luật trong 2 năm vừa qua để thực hiện CPTPP, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho hay, đối với cả 2 Hiệp định EVFTA và CPTPP thì tư duy làm luật của Việt Nam đã được nâng tầm. “Chúng ta đã chấp nhận một tiêu chuẩn cao hơn, không chỉ dừng lại ở WTO và đã quan tâm đến CPTPP. Việc quan tâm tới CPTPP tức là quan tâm ở mức tiêu chuẩn cao hơn hẳn, điều này rất đáng để kỳ vọng trong việc ban hành các VBPL trong thời gian tới”, ông Khanh nói.
Có cần các quy định vượt lên trên cam kết?
Về các hàm ý chính sách cho hoạt động XDPL thực thi CPTPP trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Trang đề nghị, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch XDPL thực thi cam kết cần được thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan. Việc soạn thảo nội dung cũng cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo. Quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết. Cuối cùng, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.
Trước những khuyến nghị chính sách xây dựng pháp luật trong thời gian tới, ông Cao Xuân Phong - Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, cần hài hòa hóa pháp luật. Dù các FTA có hiện đại, phạm vi mở rộng ra rất nhiều so với trước đây, nhưng trong hệ thống pháp luật, các quy định liên quan đến FTA chỉ là một phần.
Khi đặt ra tiêu chuẩn cao cho các quy định liên quan đến FTA thì cũng đồng thời phải đặt ra các tiêu chuẩn tương ứng cho quy định ở lĩnh vực khác. Đảm bảo không có độ “vênh” giữa các quy định, cũng là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Ngoài hài hòa các quy định trong nước, cũng cần cân nhắc sự hài hòa với pháp luật quốc tế và các quốc gia mà chúng ta có hiệp định.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn chính sách Thương mại quốc tế VCCI, cần chủ động trong việc xây dựng và thực thi pháp luật về CPTPP với phạm vi rộng hơn, tiêu chuẩn cao hơn. Đồng thời, cần minh bạch và công khai trong xây dựng pháp luật.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng bổ sung thêm về tính cạnh tranh cao khi nhiều thành viên mới vừa nộp đơn xin gia nhập CPTPP như Trung Quốc, Anh... Các đối tác này đều có mức độ cạnh tranh tốt hơn Việt Nam, về năng lực tài chính, trình độ công nghệ, thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật. Vì vậy, Việt Nam phải tập trung cao độ sức lực, trí tuệ vào việc sớm hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thực thi thật tốt những gì đã xây dựng và cam kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để đương đầu với thách thức.