Chuyển dịch chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại lớn
Tổng đàn lợn phục hồi 80% so với trước dịch Ngành chăn nuôi lợn phục hồi rõ nét |
Doanh nghiệp FDI chiếm gần nửa nguồn cung thịt lợn
Theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn đến thời điểm cuối tháng 6/2024 ước tính đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023. Trong đó, đàn lợn vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng 16,5%, tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tăng 3,1%; vùng Đông Nam Bộ tăng 3,0%; Đồng bằng sông Hồng tăng 2,8%; Trung du miền núi phía Bắc tăng 1,9%; chỉ có vùng ĐBSCL giảm 1,3%.
Chăn nuôi lợn chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình; tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm (riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%). Hiện sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35- 40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS, cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Dabaco, Masan, Mavin, Hòa Phát, CP, Japfa Comfeed, New Hope, Cargill... đang từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi.
"Trong xu hướng hiện nay, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của hợp tác xã hay doanh nghiệp; phải chuyên nghiệp hóa hoặc chăn nuôi có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ; liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín", ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh - cố vấn tại Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam nhấn mạnh, các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và trang trại nhỏ triển khai thực hiện liên kết được dễ dàng và có lộ trình.
Chăn nuôi lợn chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình |
Phát triển chăn nuôi bền vững
Ông Phan Quang Minh - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 863 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 46 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 57.000 con. Cả nước xảy ra 3 ổ dịch lở mồm long móng type O trên lợn, số lợn mắc bệnh 86 con, số lợn chết và tiêu hủy là 43 con. Hiện cả nước ghi nhận 970 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên lợn tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn đối với các dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng, tai xanh và xoắn khuẩn. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Chính quyền ở cấp huyện, xã một số địa phương chưa quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Văn Minh cho hay, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung, nên từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn vẫn sẽ duy trì như các tháng trước đây và có xu hướng tăng lên. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cũng như giá lợn tốt hơn cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần phải có thời gian. Dự kiến, quý II/2025 giá cả mới về mức phù hợp với thị trường.
Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp chăn nuôi là an toàn dịch bệnh. "Để kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh trong trang trại cũng như phục vụ chiến lược tăng đàn, công ty đề ra rất nhiều giải pháp tổng thể. Thứ nhất, về mặt quản lý, chúng tôi tập trung vào an toàn sinh học, đảm bảo ngăn ngừa các dịch bệnh. Thứ hai, nhân rộng và phát triển đàn giống hạt nhân để phục vụ cho chiến lược phát triển. Thứ ba, cải tiến về công nghệ, áp dụng những công nghệ mới", ông Minh chia sẻ.
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các hướng dẫn, quy định cụ thể làm căn cứ để doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt những quy định về môi trường, quy định sử dụng quỹ đất phục vụ cho chăn nuôi, quy định về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo ông Phan Quang Minh, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường những tháng cuối năm, đặc biệt thời điểm trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường, kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.