Chuyển đổi bằng lái xe PET: Tiền hậu bất nhất, dân lãnh đủ
“Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, trong dự thảo Thông tư này Bộ Giao thông - Vận tải đã quy định việc chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET theo hướng: đối với Giấy phép lái xe không thời hạn, việc chuyển đổi sang Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET được thực hiện đến ngày 31/12/2020 mà không yêu cầu thi lại lý thuyết; đối với giấy phép lái xe có thời hạn, người sử dụng sẽ chuyển đổi sang Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET khi hết thời hạn ghi trên giấy phép”, nguồn thông tin trên cho biết.
Việc bắt buộc chuyển đổi Giấy phép lái xe PET gây phiền hà cho người dân |
Trước đó, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT ban hành ngày 20/10/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 (trừ một số điều có quy định thời gian áp dụng khác) đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý là theo quy định tại Điều 57 của Thông tư 58 thì giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau: Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31/12/2020. Đặc biệt, sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi trên thì người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, mới đây các quy định trên đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra đã có kết luận quy định bắt buộc phải chuyển Giấy phép lái xe bìa sang vật liệu PET theo quy định tại Điều 57 nói trên là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, Giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới.
Về pháp lý, Giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới. Trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có Giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm.
Từ đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại Điều 57 Thông tư 58, đồng thời rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra.
Đánh giá cao việc “tuýt còi” đối với Điều 57 nói trên, tuy nhiên nhiều người dân vẫn tỏ ra khá bức xúc vì thời gian hiệu lực của Thông tư đã khá dài và nhiều người đến nay đã buộc phải mất nhiều công sức, tiền bạc để đổi Giấy phép lái xe từ bìa sang PET.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở Cầu Giấy tỏ ra bức xúc: Tại sao khi người dân phải xếp hàng dài để chờ chuyển đổi bằng từ vật liệu thông thường sang thẻ PET để tránh thi lại lý thuyết Bộ Tư pháp mới “tuýt còi”? Hàng trăm ngàn giấy phép còn hiệu lực để sử dụng nhưng người dùng vẫn “buộc” phải chuyển đổi trước đó thì ai phải chịu trách nhiệm? Các bộ ban hành văn bản sai luật như vậy thì ai chịu trách nhiệm?...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Vũ Thế Hưng (Hà Nam) phân tích, Giấy phép lái xe (hạng A1) đã quy định rõ là không thời hạn thì nên tuyên truyền lợi ích của việc chuyển đổi để người dân tự lựa chọn sử dụng loại nào cho phù hợp, có lợi, chứ không nên “ép” phải chuyển đổi như vừa qua. Hơn nữa, với mỗi lần chuyển đổi như vậy người dân đều phải mất thêm một khoản phí, nhiều nơi quy định thì lệ phí cấp giấy phép lái xe bằng vật liệu PET là 135.000 đồng/lần.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - đơn vị quản lý trực tiếp việc đổi Giấy phép lái xe - thì cho, đến ngày 31/8/2016, cả nước đã đổi được xấp xỉ 5 triệu Giấy phép lái xe ô tô sang vật liệu PET, trong tổng số 5,3 triệu Giấy phép lái xe ô tô.
Còn trên thực tế, việc chuyển đổi Giấy phép lái xe thời gian qua nhiều lúc khiến cho hoạt động này của cơ quan chức năng quá tải. Để “sửa sai”, ông Huyện cho biết thông tư sửa đổi Thông tư 58 sẽ được ban hành ngay trong tháng 12/2016.
Từ thực tế này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xây dựng một hệ thống rà soát, kiểm tra văn bản trước khi ban hành để tránh tình trạng “tiền hậu bất nhất” như trường hợp này. Hệ quả của nó có thể vừa làm giảm uy tín của cơ quan ban hành văn bản, vừa gây thiệt hại không đáng có cho người dân.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát văn bản trước khi ban hành cũng sẽ đảm bảo được tính nghiêm minh, thống nhất của luật pháp. Vì xét cho cùng, luật pháp có nghiêm minh, thống nhất thì người dân mới tin và làm theo pháp luật.