Chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước: Cần giải pháp tổng thể, căn bản và toàn diện
Doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi số Dữ liệu cục bộ khiến chuyển đổi số bị tắc nghẽn |
Nhờ chuyển đổi số bước đầu thành công, trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các biến động khôn lường của môi trường kinh tế thế giới, Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng với tốc độ tịnh tiến: Năm 2020 tăng 15,7%, năm 2021 tăng 16% năm 2022 tăng 21%. Đặc biệt là trong quý I/2023, bất chấp những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, doanh thu của công ty vẫn tăng 19,8% so cùng kỳ. Rạng Đông đặt mục tiêu từ năm 2023 tăng trưởng doanh thu đạt từ 25-30%/năm.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT - Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số Công ty Rạng Đông chia sẻ, có thể nói quá trình chuyển đổi số đã giúp cho Rạng Đông nâng cao năng lực thích ứng, có thể mở rộng không gian tăng trưởng từ sản phẩm lõi, công nghệ lõi là công nghệ chiếu sáng, công nghệ IoT, ông Kết cho biết thêm.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng gặt hái được nhiều thành công từ chuyển đổi số. Ông Nguyễn Khắc Trung - Trưởng ban Ngân hàng số Agribank cho biết, một trong những chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là thay đổi cách thức sử dụng dịch vụ. Trước Covid, khách hàng phải đến quầy giao dịch để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, nhưng hiện nay, khách hàng, giao dịch số chiếm phần lớn. Thống kê của Agribank cho thấy các giao dịch trên kênh số đã chiếm tới 93,5%.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm tới chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình, nhưng phần lớn chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đồng quan điểm, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) - Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất là mọi người chưa hình dung rõ về chuyển đổi số mà mới đang nhìn thấy đây là một động lực về mặt chính trị, một phong trào, một chủ trương phải thực hiện. Tuy nhiên chuyển đổi số là gì? Cần phải làm gì? Bắt đầu từ đâu và thực sự như thế nào?… thì vẫn là những câu hỏi rất là lớn, đặc biệt là đối với lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước.
“Hiện nay, tại các doanh nghiệp chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở những giải pháp mang tính cụ thể, cấp bách, tạm thời, chứ chưa mang tính tổng thể, căn bản và toàn diện”, ông Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Đại diện Agribank chia sẻ thêm, ngân hàng hiện có gần 40.000 cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống với 2.300 chi nhánh và các phòng ban trải dài trên toàn đất nước. Do đó, quá trình chuyển đổi số của Agribank gặp nhiều khó khăn vì cần đầu tư nhiều. Về tổng thể, khó khăn chung mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là chi phí đầu tư, thói quen kinh doanh; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo, cam kết từ người lao động; thiếu nhân lực, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng...
Đồng quan điểm, ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số khu vực miền Bắc - Công ty cổ phần Base Enterprise đã dẫn kết quả khảo sát của Basel về những thất bại khi chuyển đổi số tại doanh nghiệp và cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ lãnh đạo thiếu quyết liệt (30%), đơn vị chưa sẵn sàng (30%), khả năng cải tiến quy trình còn yếu (20%), doanh nghiệp kỳ vọng sai và năng lực truyền thông, quản trị hạn chế. Do đó, sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công thì yếu tố quyết định là việc người đứng đầu có quyết tâm “sống chết” hay không và năng lực của người lãnh đạo ra sao.