Chuyển đổi số góp phần xanh hóa nền kinh tế
Thể chế tạo lực đẩy cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng Mạng lưới ngân hàng số phát triển nhanh NHNN hướng đến phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, tin cậy với chi phí hợp lý |
Tạo hệ sinh thái dịch vụ toàn diện
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, hình thành một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Điển hình như trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến, phương thức thanh toán mới ngày càng được ứng dụng rộng rãi, làm thay đổi thói quen của người dân; và góp phần minh bạch hóa thu nhập, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
BIDV đã có khung phát hành trái phiếu xanh, khung khoản vay bền vững cấp các sản phẩm khoản vay xanh |
Đặc biệt, sự liên kết giữa ngành Ngân hàng và các ngành dịch vụ khác ngày càng chặt chẽ, như ứng dụng Mobile Banking đã giúp cho khách hàng thuận tiện sử dụng cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe công nghệ, mua vé tàu xe, mua sắm trực tuyến... Có thể thấy, thời gian qua, ngành Ngân hàng cùng nhiều ngành nghề khác tạo thành một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, trong đó có phát triển xanh.
Để đạt được kết quả trên, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, sớm nhận thức được tính cấp thiết quá trình này, NHNN Việt Nam đã sớm ban hành đề án phát triển ngân hàng xanh, cũng như ban hành kế hoạch chuyển đổi số. Mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số ngân hàng đó là phát triển các mô hình ngân hàng số và đặc biệt, mục tiêu quan trọng nhất đó là gia tăng tiện ích, tăng trải nghiệm của khách hàng với việc khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.
Với đề án phát triển ngân hàng xanh, mục tiêu cơ bản là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ thêm về chuyển đổi xanh, ông Vương Thành Long, Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp nước ngoài BIDV cho biết, các ngân hàng trong thời gian qua đã tích cực thúc đẩy tín dụng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Với vai trò của một NHTM nhà nước, BIDV đã sớm có chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thông qua định hướng tại các Nghị quyết của hội đồng quản trị, thành lập Ban Quản lý Dự án về tài chính bền vững. Ngoài ra, ngân hàng cũng xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. BIDV là ngân hàng nội địa đầu tiên ban hành Hệ thống quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (ESMS) từ năm 2018. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục mở rộng phạm vi quản lý rủi ro môi trường xã hội thông qua hướng dẫn của NHNN và hợp tác với đối tác quốc tế.
Để phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, BIDV đã có khung phát hành trái phiếu xanh; khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước; các chính sách khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực thi trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Nhờ đó, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng cao, đang chiếm 4,25%/tổng dư nợ. Hiện dư nợ cho vay xanh tại BIDV là 63.773 tỷ đồng với 1.718 dự án xanh.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Duy Hưng quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ ở nước ta mới đi những bước ban đầu và mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các lĩnh vực dịch vụ khác đặc biệt là văn hóa, y tế, giáo dục… phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Trải nghiệm khách hàng là thước đo
Mục tiêu xuyên suốt trong chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm khách hàng là thước đo duy nhất. Để hiện thực hoá những mục tiêu này, ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã tập trung vào xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý. Về phía các TCTD, các ngân hàng chú trọng xây dựng hạ tầng từ rất sớm đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày có lượng giao dịch tương đương khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 40 tỷ USD được chuyển qua hệ thống thanh toán ngân hàng.
Cùng với đó, tất cả các ngân hàng đều coi chuyển đổi số một chiến lược phát triển chứ không chỉ là một dự án ngắn hạn. Thậm chí, có những ngân hàng coi chuyển đổi số là trụ cột quan trọng và phát triển rất nhanh.
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch chiếm đến 94-97% số lượng giao dịch trên kênh số. Điều này cho thấy ngành Ngân hàng đang có bước chuyển mình rất lớn trong hoạt động chuyển đổi số. Thậm chí theo đánh giá của Phó Thống đốc, ứng dụng mobile banking của ngân hàng Việt không hề kém cạnh so với các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặt ra nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm mới hiện đại đáp ứng nhu cầu của khách hàng thay đổi thường xuyên nhưng cũng đặt ra thách thức xu hướng tội phạm công nghệ cao gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN tập trung hoàn thiện chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng triển khai cho vay trên nền tảng điện tử, mang dịch vụ an toàn tiện ích cho khách hàng. Qua đó giúp người dân có thể tiếp cận tài chính toàn diện, đặc biệt với những người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng.
“Việt Nam có tới 72-73% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, dịch vụ công khó được thực hiện hoàn hảo nếu người dân không có tài khoản ngân hàng mà vẫn giao dịch bằng tiền mặt. Do đó, mục tiêu của NHNN sắp tới là phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, tin cậy với chi phí hợp lý trong mọi lĩnh vực”, Phó Thống đốc thông tin thêm định hướng chính sách.