Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Cung ứng giải pháp an toàn, hiệu quả nhất cho khách hàng
TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Ngân hàng là ngành chuyển đổi số nhanh và thành công nhất
Có thể nói, ngân hàng là Ngành chuyển đổi số nhanh nhất, thành công, hữu dụng nhất trong nền kinh tế. Hệ thống thanh toán, gửi tiền, các hoạt động có liên quan đến thẻ tín dụng ngân hàng, tiền gửi, đặc biệt là hoạt động cho vay tiêu dùng đều được thực hiện trên nền tảng số. Hiểu một cách đơn giản, tất cả dịch vụ ngân hàng đều được thực hiện trên nền tảng số. Đây có thể nói là một trong những điểm sáng của Chính phủ Việt Nam.
Khi số hóa hệ thống ngân hàng, an toàn là một trong những rủi ro đáng quan tâm nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia. Hiện nay Việt Nam đang quản lý dữ liệu tập trung cho nên mức độ an toàn còn lớn hơn. Nhưng khi quản lý dữ liệu phân tán phải có cách khác để đảm bảo an toàn thanh toán trong hệ thống ngân hàng. Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định, các rủi ro trong hoạt động chuyển đổi số, nhất là về bảo mật thông tin được ngân hàng quản trị tương đối tốt.
Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bên cạnh Bộ Công an, ngành Ngân hàng được hưởng lợi khá nhiều khi có trong tay khối lượng tài sản rất lớn đó là dữ liệu. Vấn đề bây giờ của các ngân hàng phải dùng công nghệ như AI để phân tích, tái cấu trúc lại hệ thống dữ liệu này theo hướng quản trị rủi ro, xếp hạng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Trên nền tảng đó, ngân hàng định vị rủi ro để đưa ra quyết định cho vay khách hàng như thế nào. Đây là hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng. Ngân hàng nào biết cách khai thác, kho dữ liệu này thực sự là tài sản quý.
Quá trình triển khai Đề án 06, tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ đối mặt với những khó khăn. Trong đó khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất là hiện chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để ngân hàng khai thác, sử dụng dữ liệu. Thứ hai là nhân lực, phải có kỹ sư, các nhà khoa học về quản lý dữ liệu, các kỹ sư phần mềm giỏi. Thứ ba là số hoá quá nhanh dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực trong ngành Ngân hàng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay khó khăn này dần xuất hiện và ngân hàng cũng tính đến chuyện giải quyết đội ngũ nhân sự như thế nào trong tương lai.
Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank
Đảm bảo an toàn, bảo mật
Cùng với các nền tảng công nghệ ngân hàng số hiện đại, việc kết hợp với ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử và các thông tin sinh trắc học của khách hàng như khuôn mặt, vân tay sẽ góp phần giúp hoạt động ngân hàng trở nên an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đây là cơ sở tiền đề để phát triển nhiều tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng, ngân hàng. Hiện nay, Agribank đã nghiên cứu thành công và chuẩn bị triển khai ứng dụng CCCD gắn chip vào chuyển đổi số trong giao dịch tại quầy. Theo đó, Agribank thực hiện đọc dữ liệu CCCD gắn chip, xác thực khách hàng qua đối chiếu khuôn mặt chụp thực tế với thông tin khuôn mặt trên chip, đồng thời xác thực thông tin trên chip với dữ liệu của Bộ Công an.
Trước đây, theo phương thức giao dịch truyền thống, một khách hàng đến quầy giao dịch để mở tài khoản, đăng ký phát hành thẻ thông thường thời gian thực hiện phải mất từ 20-25 phút. Nhưng nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan.
Với các thông tin sinh trắc học qua khuôn mặt, vân tay, Agribank nhận diện và xác định chính xác khách hàng, an toàn bảo mật tuyệt đối, phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn. Các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học lần sau có thể giao dịch với ngân hàng hay tại Agribank Digital/CDM… mà không cần dùng bất kỳ giấy tờ hay thẻ vật lý. Agribank đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an để làm sạch tất cả các tài khoản có nguy cơ giả. Từ nay đến cuối năm, Agribank sẽ triển khai ứng dụng này tại phần lớn các điểm giao dịch của Agribank.
Ông Nguyễn Đình Tùng Tổng giám đốc OCB
Ngân hàng số là chiến lược trọng tâm
Ngân hàng số được OCB coi là chiến lược trọng tâm từ nhiều năm trước. Ngân hàng số OCB không chỉ mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng mà đang hướng dần đem lại giá trị đích thực cho khách hàng. Một trong những sản phẩm tiêu biểu đó là Unlock Dream Home. Đây là sản phẩm mà đưa toàn bộ quy trình cần thiết phải chuẩn bị để vay mua nhà lên trên online. Với sản phẩm này khách hàng không những được vay với lãi suất ưu đãi, điều kiện cho vay phù hợp mà OCB có thể giúp cho khách hàng tìm được căn nhà ưng ý. Bởi ngân hàng đã kết hợp với nhiều hệ thống nhà môi giới tìm những ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng. Không những vậy, ngân hàng còn thiết kế khoản vay kéo dài 30 năm để khách hàng chủ động và đưa ra phương án thanh toán phù hợp.
Để phục vụ khách hàng tốt nhất, ngân hàng đang và sẽ ứng dụng những công nghệ mới nhất hiện nay. Đặc biệt, OCB là ngân hàng đầu tiên ứng dụng nền tảng IBM Safer Payments. Đây là hệ thống sẽ hỗ trợ ngân hàng giám sát, phát hiện ngăn chặn giao dịch giả mạo trong hoạt động ngân hàng đa kênh kỹ thuật số của ngân hàng này. Việc áp dụng công nghệ mới dựa trên dữ liệu lớn có khả năng phân biệt được thật giả và tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn.
Việc ngân hàng áp dụng các nền tảng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ là cần thiết để đảm bảo lợi ích của khách hàng và ngân hàng. Với OCB, bên cạnh việc bảo vệ người dùng, đưa lại trải nghiệm tối ưu, an toàn khi sử dụng sản phẩm dịch vụ, nhà băng còn tuân thủ các quy định của NHNN về giám sát giao dịch, phòng chống gian lận.
Ông Nguyễn Hưng Tổng giám đốc TPBank
Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho vay bằng phương thức điện tử
Ngân hàng cho vay trên môi trường điện tử là giải pháp tài chính tiện lợi và đáng tin cậy cho đối tượng khách hàng cá nhân của TPBank có nhu cầu tiêu dùng nhỏ, đủ điều kiện phê duyệt trước và nằm trong tập danh sách khách hàng đủ tiêu chuẩn (whitelist). Đối tượng hướng tới là các khách hàng có nhu cầu khoản vay tiêu dùng, nhỏ, giảm thiểu thủ tục để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được vốn. Việc phê duyệt, giải ngân hồ sơ vay tín chấp nhanh, tiện lợi và tự động 100% online. Khách hàng ký hợp đồng vay bằng chữ ký điện tử với TPBank.
Để khách hàng tiếp cận dịch vụ một cách đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng, TPBank đã sử dụng các công nghệ tối tân như AI, ML, Big Data, Blockchain, RPA & kiến trúc Micro-Services, OCR cloud,... TPBank xây dựng giải pháp toàn diện, kết hợp giữa kênh đăng ký và nhận giải ngân trực tuyến qua mobile app và kênh đăng ký offline tại các điểm LiveBank và khách hàng nhận được tiền ngay lập tức.
Sau 8 tháng triển khai, hơn 100.000 lượt đăng ký qua app eBank và qua LiveBank, với giá trị khoản vay trung bình 7 triệu đồng. Số tiền giải ngân lên đến hàng trăm tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp dưới 2% thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng trên thị trường khoảng 4% - 5% đối với các món vay tiêu dùng nhỏ. TPBank đang có kế hoạch tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phối hợp cùng C06 triển khai giải pháp đọc và khai thác thông tin qua CCCD gắn chip, nghiên cứu để ứng dụng VNeID trong việc xác minh khách hàng, cũng như làm sạch kho dữ liệu hiện có. TPBank đã, đang và tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Bên cạnh những thuận lợi, ngân hàng cũng đang gặp những khó khăn trong triển khai cho vay trên môi trường điện tử. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Mặc dù Thông tư 39 đã có những đổi mới, song vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và đặc biệt chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử cho các TCTD. Do đó, TPBank đề xuất xem xét đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 đối với quy định trong hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử.
TPBank đề xuất các đơn vị Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan sớm được kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với mức chi phí hợp lý hoặc khai thác theo các gói khác nhau tùy nhu cầu của từng ngân hàng.