Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Đảm bảo nhanh, mạnh, thực chất
Ngành Ngân hàng giữ vững vị thế đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Kỳ vọng tạo cảm hứng mới cho nền kinh tế Người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số |
Dịch vụ ngân hàng ngày càng hiện đại
Lần thứ hai tham dự sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng hôm 18/5 vừa qua, trải nghiệm, trực tiếp chứng kiến các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thật sự ấn tượng về những thành quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được. Chỉ trong thời gian chưa đến một năm, từ tháng 8/2022 đến nay, đã có thêm rất nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới.
Có thể cảm nhận một cách rõ rệt tinh thần chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp xuyên suốt từ các phát biểu của đồng chí Thống đốc NHNN, báo cáo kết quả 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và các bài tham luận trình diễn cũng như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng tại các gian hàng.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại được các ngân hàng đem tới tại triển lãm Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023. |
Cũng tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn Ngành, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định 810/QĐ-NHNN) trên nhiều mặt.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN thông tin, NHNN đã nghiên cứu ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Nhờ đó, các loại hình dịch vụ cung cấp trên môi trường số ngày càng đa dạng, tiện ích. Các hệ thống thanh toán quan trọng tại Việt Nam hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Minh chứng rõ nét đó là nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới; khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4...
Công nghệ của các nhà băng ngày càng hiện đại. |
Bức tranh công nghệ và dịch vụ của ngân hàng ngày càng đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu trong đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như BIDV là nhà băng đầu tiên phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) - C06 Bộ Công an trong dịch vụ Ngân hàng. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip trong giao dịch cho phép định danh và xác thực khách hàng thông qua sinh trắc học (vân tay/khuôn mặt) của khách hàng đối sánh với thông tin lưu tại căn cước công dân gắn chip.
Với khách hàng hiện hữu, khi sử dụng căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính như nộp/rút tiền mặt trên hệ thống máy giao dịch tự động ATM/CRM. Ứng dụng căn cước công dân gắn chip để thực hiện giao dịch chuyển tiền trên máy giao dịch Ezone của BIDV, qua đó khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền trong hệ thống BIDV, hoặc đến bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam.
Hay Nhà máy số (Digital Factory) của MSB với mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, hiện đã hoàn thiện việc số hóa hoàn toàn hành trình khách hàng trong vay tín chấp, vay thế chấp, đăng ký thẻ tín dụng và mua bảo hiểm. Với dự án thay đổi Core Banking, MSB là đơn vị tiên phong trên thị trường chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi mới lên phiên bản T24 Transact hiện đại hàng đầu Việt Nam hiện nay. Dự án đã hoàn thiện phần kiểm thử kỹ thuật và sẵn sàng hoạt động vào năm 2023.
Tại Nam Á Bank, ngân hàng này đã ra mắt không gian giao dịch số với nhiều trang thiết bị ưu việt đánh dấu bước tiến mới trở thành ngân hàng tiên phong khi triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chat GPT trên robot OPBA. Robot OPBA với vai trò là một Preteller tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu của khách hàng thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy. Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, ngay khi khách hàng bước vào giao dịch, Robot OPBA sẽ tự động di chuyển tới, chào hỏi khách hàng, đồng thời nhận diện khách hàng thông qua tính năng Face ID hiện đại.
Không chỉ như vậy, Nam A Bank còn tích hợp thêm công cụ ChatGPT để tận dụng được nguồn dữ liệu lớn của công cụ ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transfomer), Robot OPBA có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trò chuyện giống con người với khả năng bắt chước ngôn ngữ và phong cách nói như con người mạch lạc tương tác, hỗ trợ trả lời câu hỏi và phản hồi tự động phù hợp với nhu cầu hoạt động chăm sóc khách hàng.
OCB cũng đã đầu tư Liobank, tích hợp nhiều tính năng ưu việt, nổi trội và khác biệt trên thị trường như: phát hành thẻ 2 trong 1 - kết hợp giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ (thẻ ATM) để tạo sự tiện lợi cho khách hàng; Nhận thẻ phi vật lý ngay sau khi đăng ký thành công; Giao thẻ vật lý ngay ngày hôm sau; Khách hàng có thể chọn địa điểm và khung giờ nhận thẻ vật lý ngay trên ứng dụng...
Đặc biệt là ngân hàng số được xây dựng dành riêng cho khách hàng trẻ yêu thích trải nghiệm sự tiện nghi của công nghệ, do vậy, tất cả các thao tác trên Liobank đều được thiết kế đơn giản hóa so với phương thức truyền thống và mang cá tính riêng biệt, độc đáo như: lắc điện thoại chuyển tiền, chuyển tiền hồi đáp cho người đã chuyển tiền đến mà không cần biết số tài khoản, chuyển tiền cho người dùng Liobank trong danh bạ điện thoại, đặt tên thư mục để quản lý hóa đơn tiện ích… giúp tối ưu việc quản lý tài chính cá nhân, mang đến trải nghiệm vượt trội trong quá trình giao dịch.
Hay trong lĩnh vực hàng không, giải pháp định danh hành khách đi tàu bay Smart Check-in của EPAY là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với các thủ tục trước khi lên máy bay. Nếu trước đây mỗi hành khách cần ít nhất 15 phút để hoàn thành các thủ tục, thì giờ đây chỉ còn 6-8 giây cho mỗi điểm chạm. Với công nghệ sinh trắc học đáp ứng ISO 30107-3 về chống giả mạo sinh trắc khuôn mặt, cùng các thiết bị đạt các tiêu chuẩn của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế - IATA, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO, Smart checkin không chỉ giúp giảm nhân lực và thời gian làm thủ tục, mà còn tăng cường hiệu quả các giải pháp an ninh sân bay, hỗ trợ đắc lực cho các nghiệp vụ chuyên ngành.
Cùng với đó, giải pháp Ki-ốt tự động (tự phục vụ) ứng dụng giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip cho hành khách tại sân bay, bệnh viện, ngân hàng cũng được ra mắt tại triển lãm, giúp hiện đại hoá hệ thống thủ tục, giảm thiểu áp lực tại các quầy thanh toán, quầy làm thủ tục.
Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số
Tuy đã có nhiều thành tựu nhưng công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu của chuyển đổi số đó là cần chuyển đổi cả tư duy, nhận thức và hành động, triển khai rộng khắp nhưng có trọng tâm, trọng điểm; làm thực chất, hiệu quả; tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải; và đặc biệt, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, phục vụ tốt mà không phát sinh thêm thủ tục hành chính phiền hà.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao thành quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian qua |
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng cần quyết liệt, thống nhất triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các TCTD để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của Ngành, trong đó hạt nhân là hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng phải theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các TCTD, trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối, liên kết giữa các NHTM, trung gian thanh toán với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.
Do vậy, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với NHNN thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu.
Thứ ba, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.
Thứ tư, chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn ngành Ngân hàng, tăng cường kỉ cương, đạo đức nghề nghiệp, phát huy năng lực, trí tuệ người lao động toàn Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số để áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, mà trực tiếp là đồng chí Thống đốc, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng, sự đồng lòng, quyết tâm và tinh thần chủ động, sáng tạo của tất cả các đơn vị trong toàn Ngành, với những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng tin tưởng mạnh mẽ rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trong công tác chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước theo định hướng Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mong muốn, trong hành trình chuyển đổi số ngành ngân hàng tới đây vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Phó Thủ tướng, của Chính phủ, sự đồng hành hỗ trợ, chung tay góp sức từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan.