Chuyển đổi số phải đi liền với đảm bảo an ninh, an toàn
Đảm bảo an toàn, bảo mật là yếu tố rất quan trọng trong thúc đẩy TTKDTM. NHNN đã có những chỉ đạo, giải pháp gì đối với các TCTD trong việc tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch ngân hàng trên môi trường số của khách hàng, thưa ông?
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy TTKDTM cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, NHNN luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn. Ngày 11/5/2021 Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm chuyển đổi số phải đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi, tính hợp pháp của khách hàng.
Với quan điểm xuyên suốt nêu trên, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường bảo mật, an toàn giao dịch ngân hàng trên kênh số. Qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ số. Cụ thể, NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu các cấp liên quan sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó chú trọng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và cung ứng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử như, Thông tư hướng dẫn mở tài khoản, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; Nghị định hướng dẫn giao dịch điện tử trong ngành Ngân hàng… Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và hiện NHNN đang rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp.
NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong trao đổi cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán; thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán. Ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Nhiều nội dung quan trọng được đưa vào Kế hoạch này như nội dung về kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), tài khoản định danh điện tử để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán…
Ngoài ra, NHNN thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức thông qua nhiều hình thức như triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán cho người dân...
Xin ông cho biết, những giải pháp trong thời gian tới về phía ngành Ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn?
Được nhìn nhận tiên phong trong chuyển đổi số, bằng những nỗ lực không ngừng suốt thời gian qua ngành Ngân hàng đã đạt được những thành công ấn tượng. Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng đáng ghi nhận về doanh số giao dịch, lượng người dùng... những dịch vụ thanh toán, ngân hàng số đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Do đó trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, phát huy những kết quả đạt được NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Trước mắt là rà soát, sửa đổi Luật Các TCTD và nghiên cứu xây dựng Luật các Hệ thống thanh toán; trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng và với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác CSDLQGvDC theo Kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an.
Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng, đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng.
Thứ tư, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Như ông vừa chia sẻ, ngành Ngân hàng đang ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp triển khai Đề án 06. Ông cho biết cụ thể hơn?
Có thể nói NHNN là một trong số các bộ, ngành đã sớm ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06, đồng thời phối hợp với Bộ Công an triển khai với hai nhóm nhiệm vụ chính. Một là kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN; Hai là kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của ngành Ngân hàng. NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01 như chia sẻ ở trên gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để ứng dụng dữ liệu dân cư làm sạch, xác minh, xác thực thông tin khách hàng và sử dụng cho nhiều hoạt động khác trên môi trường số.
Trong thời gian qua, Vụ Thanh toán đã chủ động tổ chức các cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tháng với các TCTD, C06 để tổng hợp thông tin, tình hình và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đến nay, việc triển khai Kế hoạch 01 đã đạt được một số kết quả nhất định như 9 TCTD đã và đang triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở TKTT; 21 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip; 7 TCTD đã và đang liên hệ C06 để ứng dụng tài khoản VneID; 5 TCTD đang triển khai chấm điểm tín dụng với C06…
Đối với Đề án 06, thời gian tới NHNN triển khai các nhiệm vụ đã được Tổ Công tác của Chính phủ giao và Kế hoạch số 01. Trước mắt, sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung về làm sạch dữ liệu khách hàng mở TKTT, ứng dụng CCCD chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID).
NHNN tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để tạo căn cứ pháp lý cho việc ứng dụng dữ liệu dân cư, khai thác thông tin CCCD gắn chip trong xác minh thông tin khách hàng mở tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử, nhận biết khách hàng và các nghiệp vụ NHNN.
Xin cảm ơn ông!