Chuyên gia: Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội
Dự án nhà ở xã hội Trung Văn - Hà Nội |
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2030, tổng số các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn NƠXH. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Thủ tướng đã giao chỉ tiêu về NƠXH cho từng địa phương; đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đề án.
Để thúc đẩy mục tiêu tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, Chính phủ đã giao NHNN triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. 120.000 tỷ đồng này được huy động từ nguồn lực từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank), với lãi suất thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước. Kể từ ngày 1/7/2023, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư được ấn định ở mức 8,7%/năm và 8,2%/năm đối với người mua nhà; định kỳ 6 tháng điều chỉnh 1 lần.
Các ngân hàng đã nỗ lực hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất
Thông tin tại Hội thảo "1 triệu căn NƠXH: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" ngày 28/6, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hoàn toàn là sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất.
"Lãi suất theo quy định thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từ 1,5% - 2%. Tuy nhiên, nếu tính bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ cao. Hiện đã thống nhất dùng lãi suất cho vay của 4 ngân hàng lớn có lãi suất tương đối thấp (gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank) – điều này thể hiện sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, mức lãi suất này chưa thể hoàn toàn đáp ứng được mong muốn của khách hàng vay vốn", ông Bắc nêu rõ.
Hơn nữa, việc cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng này cũng sẽ giảm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bắc, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ này, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) có chương trình lãi suất thấp hơn 4,8%/năm, tuy nhiên đòi hỏi khách hàng gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia kiến nghị dùng tiền ngân sách Nhà nước tài trợ để hạ lãi vay, giảm khó khăn cho người mua nhà.
Theo ông Nghĩa, lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư nên áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường trừ đi 2%; còn đối với người mua nhà thì bằng lãi suất thị trường trừ đi 5%. Đặc biệt, chuyên gia này kiến nghị 5% giảm trừ này sẽ do ngân sách tài trợ trực tiếp cho các các NHTM.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, về đối tượng được mua NƠXH nên mở rộng hơn. NƠXH dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê; bố trí NƠXH riêng khu hay đan xen với nhà ở thương mại nên linh hoạt theo từng địa phương.
Cần tăng tính thị trường, tính hấp dẫn cho NƠXH như quy hoạch, hệ sinh thái, hạ tầng…; đồng thời khắc phục tình trạng trục lợi chính sách; làm tốt hơn công tác khảo sát/đánh giá thực trạng, phân tích và dự báo về nhu cầu NƠXH trước khi đầu tư; cần ưu đãi về thuế, phí đối với doanh nghiệp bất động sản phát triển NƠXH; cần chú trọng khâu quy hoạch, linh hoạt hơn trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho NƠXH.
Cần có quy định mức tối thiểu về diện tích, tối đa về giá (giá trần) nhưng cần sát thị trường hơn; tăng vai trò của các bên liên quan (nhất là chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cơ quan chủ trì); có đủ cơ sở pháp lý và nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi và bền vững.
Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý, chính sách đặc thù để phát triển NƠXH; rà soát, thống nhất cách hiểu, cách làm; giảm thiểu qui trình, thủ tục đầu tư cũng như điều kiện tiếp cận NƠXH; bổ sung quy định về quy chuẩn diện tích và giá bán (áp dụng giá trần).
Để Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở NƠXH khả thi và tạo ra giá trị lan toả lớn, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy chiến lược phát triển nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, cần nhanh chóng thể chế hoá và đảm bảo hiệu lực thực thi bằng văn bản quy phạm pháp luật.
Các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển bền vững thị trường bất động sản và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.