Chuyên gia: Đột phá thể chế sẽ hồi sinh thị trường bất động sản
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia:
Phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính
TS. Cấn Văn Lực |
Ngành bất động sản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và lan tỏa. Trong đó, lan tỏa ít nhất 4 ngành nghề lớn là lĩnh vực lưu trú, lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng và 1 số lĩnh vực khác.
Trong đó tứ giác liên thông, liên quan mật thiết giữa 4 thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Nếu 1 trong 4 lĩnh vực này xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng đến các ngành khác và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế vô cùng lớn.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, các phân khúc còn thiếu cung.
Theo tôi cách tiếp cận đó là phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được cơ hội mới (từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 tỷ - 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng); Cùng với đó là quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính - bất động sản.
Cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua, thực hiện Nghị định 08/2023 và Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản 2023.
Đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… chú trọng điều tiết cung - cầu bất động sản;
Hoàn thiện thể chế theo hướng: Sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản. Quy định phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp.
Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt: quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ REITs, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…Có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản.
Về giải pháp với doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 - 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…). Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…
Ngoài ra, quan tâm quản lý rủi ro tài chính (lãi suất, tỷ giá, dòng tiền…). Tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan.
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:
Cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế
TS. Vũ Tiến Lộc |
Tôi xin gói gọn những khó khăn nổi cộm nhất hiện nay trên thị trường bất động sản trong 4 chữ, đó là: Tài chính - Pháp lý. Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, hiện 65% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ những vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn (cũng chủ yếu do chính sách tài chính) và 15% từ các yếu tố thị trường - doanh nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đã nêu ra con số gần tương tự khi có tới 70% khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý. Khi pháp lý khó khăn, dòng vốn cũng sẽ ách tắc. Như tình trạng hiện nay, doanh nghiệp bị tắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Vì vậy, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế.
Theo tôi, đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức cho các doanh nghiệp.
Về giải pháp dài hạn, sẽ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các công tác cải cách thể chế. Còn về giải pháp ngắn hạn, cần quan tâm sát sao hơn nữa và đồng bộ trong hành động thực hiện.
Riêng về pháp lý, không có chuyện thương lượng, mà phải đảm bảo tính chắc chắn. Tôi đề nghị rà soát toàn bộ các dự án đang thực hiện hiện nay để tìm ra được những dự án tốt. Rất nhiều dự án bị đình trệ hiện nay là do sự chậm trễ của các chính quyền trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Thúc đẩy phát triển kinh doanh vào các phân khúc còn thiếu, tạo nguồn cung làm động lực cho thị trường ấm lên. Có thể xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, các dự án vi phạm để tìm nhà đầu tư mới. Tôi nghĩ đây là một phương án rất thiết thực để giúp hồi sinh lại, tạo nguồn lực cho thị trường bất động sản có thể dồn chảy tụ lại ở các doanh nghiệp có tiềm năng lớn.
Trong thị trường bất động sản, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là một xu hướng có tiềm năng trong tương lai, cho nên về khung pháp lý bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cần hoàn thiện sớm.
Trong thời điểm này, tôi đề nghị các doanh nghiệp quan tâm tốt đến công tác quản trị rủi ro. Có biện pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có những khó khăn như hiện nay. Trong vấn đề này, cần có sự hợp sức của các chuyên gia, các luật sư và các hiệp hội trong hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác phòng ngừa rủi ro.
Khuyến khích các doanh nghiệp xử lý các tranh chấp liên quan thông qua hoà giải, thương lượng, sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án. Trong bối cảnh hiện nay, phương thức này rất quan trọng để đảm bảo quyền tự quyết của các bên và đảm bảo nguyên tắc bí mật kinh doanh. Giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo luật kinh doanh tốt hơn, đảm bảo niềm tin vào thị trường, vẫn đảm bảo tính minh bạch, pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:
Cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Văn Đính |
Đối với Nhà nước, tại thời điểm này cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn thì cũng cần quan tâm, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định.
Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng chúng tôi đánh giá vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.
Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho bất động sản cũng chia sẻ đang gấp rút trình Chính phủ những chương trình tháo gỡ. Chúng tôi cho rằng, càng sớm ban hành càng tốt để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện tại cho các dự án cơ bản hoàn thành thủ tục đã đền bù giải phóng mặt bằng, tức là có đất sạch và cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn một chút vướng mắc như cấp phép hay các quy định khác khác, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính.
Trong giai đoạn vừa rồi, nhiều doanh nghiệp bộc lộ những yếu kém, nhiều dự án không đủ khả năng tiếp tục triển khai dự án, nên nhu cầu M&A chuyển giao dự án trong giai đoạn này rất lớn. Tuy nhiên, rất vướng về quy định M&A, đề nghị Tổ công tác tháo gỡ cho hoạt động chuyển nhượng từ các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện.
Về dài hạn, Chính phủ cần thúc đẩy tiến trình sửa đổi các bộ luật, ngoài Luật Đất đai, còn có Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, thúc đẩy chỉnh sửa đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đối với doanh nghiệp, cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Cuối cùng, chúng tôi cam kết là cơ quan đồng hành với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành trong việc góp ý, để quy định pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn. Mong Quốc hội tiếp tục nắm bắt, điều chỉnh luật pháp phù hợp hơn.
Đối với doanh nghiệp, cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing:
Chúng ta coi đây là cuộc thanh lọc
Ông Trần Quang Trung |
Thời gian vừa qua, phần lớn doanh nghiệp gãy dòng tiền, thị trường bị tác động bởi những yếu tố vĩ mô, luật pháp, nghị định… Nhưng từ giờ tới tháng 6 là giai đoạn tác động bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lúc đó, người dân đối diện với trả dòng tiền, lãi suất thả nổi 12 - 14%. Như vậy, không khác gì “đi buôn ngược”, sẽ dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nhiều nhà đầu tư cần tiền gấp, bán tháo.
Ngoài ra, về tín hiệu điều tiết của Mỹ liên quan đến lạm phát, nếu chúng ta không có sự nhất quán trong hành động của Chính phủ thì sẽ khó khăn thêm.
Tuy nhiên, chúng ta không phải không có cơ hội. Có thể coi đây là cuộc chơi thanh lọc. Chúng ta không cứu doanh nghiệp bất động sản mà cứu thị trường bất động sản, tạo kênh dòng tiền tốt, sẽ có những doanh nghiệp hoạt động bài bản, thị trường bền vững, giảm đầu cơ ngắn hạn và yếu tố “tham”.
Với vai trò là doanh nghiệp phân phối bất động sản, tôi nhận thấy bất động sản dòng tiền đang là xu hướng tiếp theo của thị trường bất động sản, bắt nhịp với xu hướng của thế giới.
Các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia cần có tính toán sử dụng đòn bẩy như thế nào thay vì đầu tư theo đám đông, phải đầu tư dài hơi không thể lãi gấp đôi, gấp ba ngay được.
Tâm lý thay đổi, hành vi thay đổi cùng với việc ban hành các luật, nghị định… căn cứ vào đó, có thể nói cuối 2023, 2024 là cơ hội lớn, là giai đoạn rất nhiều người mong đợi, tiếp tục hành trình cho thị trường bất động sản.