Chuyên gia HSBC: Sẽ có sự chuyển dịch trong động lực tăng trưởng
Doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tận dụng tối đa cơ hội phát triển |
Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến và triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc - các đối tác lớn của Việt Nam?
Thực sự, đã có rất nhiều sự kiện diễn ra trong năm qua, từ căng thẳng địa chính trị, xung đột tại Trung Đông, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm, thị trường có thời điểm đột ngột nói về nguy cơ suy thoái ở Hoa Kỳ... Tuy nhiên nếu nhìn kỹ vào nền kinh tế toàn cầu thực tế mọi thứ vẫn đang tiến triển một cách đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, bất chấp tất cả những gì được nói đến như nguy cơ phi toàn cầu hóa và thuế quan, bảo hộ thương mại gia tăng… thực tế thương mại toàn cầu vẫn đang đạt mức cao kỷ lục, chúng ta hiện không đủ container trên toàn cầu để vận chuyển tất cả các hàng hóa cần vận chuyển… Vì vậy có thể nói, theo nhiều cách khác nhau, nền kinh tế toàn cầu đã tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với những gì người ta kỳ vọng, tất nhiên điều đó không có nghĩa là không có rủi ro. Năm ngoái, GDP toàn cầu tăng khoảng 2,7%. Đây cũng là mức tăng trưởng mà chúng tôi dự báo cho năm nay và cũng dự báo tăng trưởng ở mức gần tương tự như vậy (mức 2,6%) cho năm tới.
Với kinh tế Hoa Kỳ, thậm chí vào tháng 7, tháng 8 vừa qua đã có nhiều lo ngại về nguy cơ hạ cánh cứng, tức là một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Nhưng khi xem xét các thước đo khác nhau ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tiêu dùng vẫn khá ổn định - yếu tố chiếm 70% hoạt động kinh tế ở Mỹ và thực sự là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Mỹ cũng như thương mại và kinh tế toàn cầu vào thời điểm hiện nay - cho thấy kinh tế Mỹ không thực sự đối mặt với nguy cơ hạ cánh cứng, dù có thể sẽ có sự chậm lại. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 2,7% trong năm nay.
Với nền kinh tế châu Âu, tình hình thực sự yếu hơn một chút so với ở Hoa Kỳ và với sự suy giảm sản xuất đã xảy ra (chỉ số PMI sản xuất đã thu hẹp khá sâu, báo hiệu nguy cơ sẽ kéo suy giảm ở chỉ số dịch vụ), doanh số bán lẻ tăng yếu (nếu điều chỉnh theo lạm phát thực tế thì đang suy giảm)… cho thấy sự suy yếu tới đây còn có thể lan rộng hơn nữa. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone ở mức 0,7% trong năm nay. Với kinh tế Trung Quốc, tuy có một số gói kích thích lớn đang được triển khai, song cũng còn một số thách thức, nhất là các thách thức về mặt cơ cấu và khó khăn trên thị trường bất động sản. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc ở mức 4,9% trong năm nay.
Vừa qua, HSBC là một trong những tổ chức đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 lên mức 7,0%. Cơ sở nào cho việc nâng dự báo này, thưa ông?
Việc nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 lên 7,0% nhấn mạnh sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế trong quý III. Mức tăng trưởng GDP 7,4% quý III vừa qua vượt xa dự báo của chúng tôi (dự báo ở mức 6,2%) và chủ yếu nhờ vào tăng trưởng tích cực của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các chỉ số cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là tài chính và bất động sản, cũng là dấu hiệu tích cực. Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần củng cố niềm tin vào sự ổn định kinh tế.
Bên cạnh đó, lạm phát đã giảm với chỉ số lạm phát tháng 9 chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng. Các yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024, giúp Việt Nam khẳng định vị thế là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN.
Ông dự báo thế nào về quyết định của Fed tại cuộc họp chính sách vào tháng 11 tới và điều này sẽ có những tác động thế nào đến Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng thị trường có sự tin tưởng tương đối cao rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trước khi kết thúc năm nay, có thể sẽ là qua 2 lần giảm 25 điểm cơ bản. Tôi dự đoán kịch bản cơ sở là sẽ có sự cắt giảm 0,25% vào tháng 11 nhưng cũng có thể Fed sẽ không muốn có những động thái quá gần cuộc bầu cử (tức không cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 11). Nếu Fed không giảm lãi suất vào tháng 11 và sau đó cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 12, thì đó cũng chỉ là một điều chỉnh chiến thuật. Câu hỏi lớn hơn đối với chúng ta là Fed sẽ cắt giảm bao xa trong năm 2025? Sẽ không thể có một câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn kỳ vọng mà thị trường đưa ra hai tháng trước đây về việc Fed sẽ nới lỏng một cách mạnh mẽ (dự báo có 12 lần cắt giảm trong 18 tháng tới) không còn đúng nữa. Có thể chúng ta sẽ thấy Fed cắt giảm thêm một chút và sau đó đi vào trạng thái ổn định hơn vào năm tới.
Nếu Fed không cắt giảm lãi suất nhiều như kỳ vọng, điều đó cho thấy nền kinh tế Mỹ khá mạnh mẽ và điều đó có hàm nghĩa là xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Ảnh hưởng đối với Việt Nam vì vậy sẽ đến từ mặt trong nước nhiều hơn. Bởi nếu Fed không cắt giảm lãi suất nhiều, xu hướng đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền khác, trong đó có VND, sẽ vẫn diễn ra. Điều đó càng làm thu hẹp dư địa để NHNN có thể cắt giảm thêm lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát vẫn còn, và vì vậy không có lý do gì để cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ. Trong kịch bản như vậy, chúng tôi không nghĩ NHNN sẽ cắt giảm lãi suất và mức lãi suất chính sách 4,5% sẽ được giữ đến hết năm 2025.
Theo ông, sẽ có những sự dịch chuyển nào đáng chú ý trong thời gian tới?
Trong dự báo về mức tăng trưởng 7% cả năm nay, thực tế chúng tôi dự đoán tăng trưởng sẽ giảm tốc một chút trong quý IV này. Theo đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ không thay đổi so với quý III, đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, bởi một trong các yếu tố là nhu cầu trong nước, như nhìn vào doanh số bán lẻ, dù đang phục hồi, song vẫn thấp hơn so với xu hướng trước đại dịch.
Trên nền tăng trưởng tích cực của năm 2024, chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. Nhưng trong đó, nhiều khả năng sẽ thấy có một sự chuyển dịch nhẹ trong tăng trưởng, với xuất khẩu giảm một chút và nhu cầu trong nước tăng lên một chút. Chúng tôi tin rằng, những cơn gió ngược đối với tiêu dùng trong nước sẽ giảm bớt. Ví dụ với thị trường bất động sản, chúng tôi cảm nhận thị trường đã chạm đáy, đã vượt qua giai đoạn điều chỉnh khó khăn nhất khi đã có dấu hiệu các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội trong thị trường bất động sản. Có thể thị trường chưa tăng trưởng được mạnh mẽ, nhưng ít nhất khi thị trường này ổn định, sẽ mang lại một chút sức đẩy cho tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng cũng là một động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Xin cảm ơn ông!