CIC - 25 năm trên một hành trình vạn dặm
Giải thể thao nội bộ CIC năm 2024 Đoàn thanh niên CIC 25 năm xây dựng và trưởng thành |
Từ khởi đầu với chỉ hơn 20 cán bộ khi tách khỏi Vụ Tín dụng với sứ mệnh trở thành đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu bộ máy của NHNN Việt Nam, có chức năng thu nhận, phân tích, cung cấp thông tin, làm đầu mối hoạt động thông tin tín dụng (TTTD), đến nay, CIC đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, là kênh thông tin tín dụng tin cậy số 1 Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Các cán bộ CIC ngày mới đầu thành lập |
Từ những bước chân đầu tiên…
Để có thông tin hỗ trợ NHNN trong hoạch định chính sách và quản lý hoạt động của các NHTM, hỗ trợ NHTM thông tin về tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp trước khi cấp tín dụng, năm 1992 Thống đốc NHNN ký quyết định thành lập Phòng Thông tin phòng ngừa rủi ro - một đơn vị cấp phòng thuộc Vụ Tín dụng có chức năng thu thập và cung cấp thông tin về tài chính, dư nợ của các doanh nghiệp, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của hoạt động TTTD của NHNN. Phòng cũng thực hiện tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động thông tin phòng ngừa rủi ro ngày 24/7/1993 - văn bản pháp lý đầu tiên về hoạt động TTTD trong ngành Ngân hàng, theo đó, yêu cầu các NHTM lớn hình thành phòng, bộ phận chuyên trách TTTD.
Đứng trước yêu cầu thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ (tín dụng, quản lý rủi ro…) của các TCTD và nhu cầu quản lý nhà nước của NHNN nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế Châu Á sau khủng hoảng tài chính năm 1997, ngày 27/2/1999, Thống đốc NHNN quyết định thành lập Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Theo đó, CIC trở thành đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu bộ máy của NHNN, có chức năng thu nhận, phân tích, cung cấp thông tin, làm đầu mối hoạt động TTTD của NHNN.
Là tổ chức chuyên môn đầu tiên về hoạt động TTTD, CIC đã tham mưu với Thống đốc xây dựng cơ chế, khuôn khổ chính sách về hoạt động TTTD của Việt Nam. Cụ thể, CIC đã tham mưu cho Thống đốc ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-NHNN ngày 31/12/2007 về việc ban hành quy chế hoạt động TTTD.
Từ chủ trương đổi mới của Chính phủ quy định tại Nghị định 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, khuyến khích tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công, khuyến khích các đơn vị có điều kiện chuyển sang tự chủ… CIC đã đề xuất đổi mới cơ chế hoạt động, mạnh dạn xây dựng Đề án trình Thống đốc chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp có thu và ban hành Quyết định số 1402/2003/QĐ-NHNN ngày 29/10/2003 về mức thu dịch vụ TTTD, là cơ sở quan trọng cho việc chuyển sang cơ chế cung cấp dịch vụ công lần đầu tiên được áp dụng trong hệ thống ngân hàng.
Bước đột phá chuyển mình thành đơn vị dịch vụ công là dấu mốc đặc biệt quan trọng, quyết định bước đi và sự phát triển của CIC sang một trang mới mạnh mẽ hơn, thành công hơn. Từ vị trí là tổ chức hành chính nhà nước, hiệu quả hoạt động có nhiều hạn chế, thiếu sự tự chủ cả về thực hiện nhiệm vụ và tài chính, CIC đã đổi mới phương thức, phong cách hoạt động theo hướng cung cứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thông tin tín dụng |
Sau 5 năm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu, chất lượng hoạt động của CIC được nâng lên cả về chiều rộng và chiều sâu, số lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 40%/năm, chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Ngày 31/12/2008, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 3289/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CIC và Quyết định số 1086/QĐ-NHNN ngày 8/5/2009 giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho CIC. Một lần nữa, CIC có sự thay đổi lớn về cơ chế hoạt động, dũng cảm “bỏ bầu sữa ngân sách”, là đơn vị đầu tiên trong Ngành thực hiện cơ chế tự chủ. Bước chân đầu tiên có nhiều khó khăn tuy nhiên với những kinh nghiệm quý báu, sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể ban lãnh đạo, người lao động, CIC đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng.
Đến đầu mối quản lý cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng
Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 quy định về hoạt động TTTD của NHNN Việt Nam (Thông tư 03) là hàng lang pháp lý quan trọng, tạo tiền đề cho CIC phát triển trong giai đoạn mới.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng (CSDL TTTD) Quốc gia Việt Nam do CIC quản lý lưu giữ thông tin của các khách hàng vay, với sự tham gia báo cáo thông tin của 125 đầu mối TCTD, 1.160 Quỹ Tín dụng nhân dân, 04 tổ chức Tài chính vi mô chính thức và 64 Tổ chức Tự nguyện; các Cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức khác ngoài hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 6/2024, CSDL TTTD Quốc gia lưu trữ thông tin của hơn 56,5 triệu khách hàng. Độ phủ dữ liệu/dân số trưởng thành đạt 74,78% (năm 2023). Từ năm 2019, CIC đã đạt 8/8 điểm đánh giá về chiều sâu TTTD của nhóm Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, CIC cũng được công nhận là một trong những đơn vị triển khai có hiệu quả quyết định 171/QĐ-NHNN của NHNN về Kế hoạch của ngành Ngân hàng thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án số 06). Theo đó, dữ liệu định danh khách hàng cá nhân được chuẩn hóa, làm sạch. Cụ thể, CIC đã đối soát, làm sạch trên 42 triệu hồ sơ và bổ sung trạng thái “Đã xác thực” trong các báo cáo của CIC đối với các hồ sơ khách hàng đã được đối khớp đúng, đồng thời hoàn thành việc xây dựng Bộ hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 cho hệ thống kết nối CSDL TTTD quốc gia với CSDL quốc gia về dân cư.
Từ các kết quả đối soát, CIC đang tích cực phối hợp các TCTD rà soát, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng, đồng thời CIC có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao hơn phục vụ các TCTD. Các loại dữ liệu khác như dư nợ, tình trạng nợ, lãi suất, mục đích vay vốn, bảo đảm tiền vay… cũng được tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng CSDL TTTD Quốc gia.
Khẳng định vai trò trụ cột của cơ sở hạ tầng tài chính
Thông tư số 15/2023/TT-NHNN do Thống đốc NHNN ban hành ngày 05/12/2023 quy định về hoạt động TTTD của NHNN thay thế Thông tư 03 là tiền đề để CIC nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống ứng dụng nghiệp vụ lõi, ứng dụng nhiều hơn các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào các hoạt động thu thập, xử lý, tạo lập và cung cấp thông tin, qua đó nâng cao mức độ xử lý tự động của hệ thống, đảm bảo cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đầy đủ, giúp tăng cường khả năng tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN, các Vụ, Cục trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Định hướng xuyên suốt của CIC trong suốt quá trình phát triển là phấn đấu xây dựng CIC trở thành một cơ quan TTTD công lập tiên tiến, có quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu xây dựng NHTW theo hướng hiện đại trong kỷ nguyên số; gắn quá trình phát triển của CIC với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam; nâng cao vị thế của CIC với vai trò là đầu mối dữ liệu TTTD của ngành Ngân hàng, đóng góp tích cực cho hoạt động quản lý của NHNN. Cùng với đó, hỗ trợ TCTD trong hoạt động quản lý rủi ro và đảm bảo tiếp cận tín dụng công bằng của khách hàng vay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ và NHNN cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò của CIC trong việc hỗ trợ NHNN và các TCTD tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ về khách hàng vay, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hướng tới hoàn thành mục tiêu tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Thời gian tới, CIC sẽ tiếp tục là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và ra quyết định của NHNN. Đồng thời, phát triển các dịch vụ thông tin trực tiếp cho khách hàng vay, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay và đảm bảo tính minh bạch của TTTD.
Những thành công mới, hy vọng mới đang chờ đón CIC ở phía trước, chặng đường tuổi mới thênh thang với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể, kinh nghiệm quý báu qua bao thế hệ, tin tưởng rằng CIC sẽ ngày càng mạnh mẽ, phát triển xứng tầm vị thế là trụ cột quan trọng của nền tài chính quốc gia.