CIEM đưa ra 2 kịch bản, dự báo GDP năm 2024 đạt 6,55% hoặc 6,95%
GDP năm 2024: Hướng tới mục tiêu 7% |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định, kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã cho thấy những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM |
“Những kết quả kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, song chỉ là bước đầu… Nhìn lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 cũng là dịp để chúng ta xem lại những động lực, khó khăn đối với cải cách thể chế kinh tế hướng tới tăng trưởng có chất lượng”, bà Minh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, CIEM đã công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), đại diện nhóm nghiên cứu, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp.
Trong đó, tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữa tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm,...
Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP thực tế đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp,...
Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân từ cả các yếu tố tăng tổng cầu và tăng chi phí sản xuất kinh doanh, song tăng chi phí sản xuất kinh doanh có tác động chủ yếu.
Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2024 còn chịu tác động giảm do một số yếu tố: (i) giá nhiều hàng hóa trên thế giới giảm, thể hiện qua việc chỉ số giá nhập khẩu (tính theo USD) giảm với một loạt mặt hàng; (ii) chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm 2024 giảm 1,41%; và (iii) nỗ lực của các bộ, địa phương trong việc điều hành, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ....
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%). Tốc độ tăng chủ yếu là nhờ đóng góp của vốn đầu tư ở khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là một điểm sáng, với tăng trưởng dương về cả số dự án và vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký (bao gồm vốn tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần), và vốn thực hiện.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.
Về triển vọng, báo cáo của CIEM đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô. Ở Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024; CPI bình quân cả năm dự báo tăng 4,31% so với năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được dự báo thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024; CPI bình quân cả năm tăng 4,12% so với năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Báo cáo cũng tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần xử lý, và đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.
Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và GIZ và CIEM phối hợp thực hiện hỗ trợ Việt Nam quản lý hiệu quả các nguồn lực công và tư nhân hướng tới tăng trưởng xanh và bao trùm, thông qua cải thiện sự gắn kết giữa các chính sách kinh tế của Việt Nam, bao gồm các chính sách về tài chính xanh và quản lý tài chính công. |