Citi: Kinh tế Việt Nam hồi phục tăng trưởng vượt mong đợi
Bà Ngô Thị Hồng Minh, Giám đốc Khối Thị trường Tài chính và Nguồn vốn của Citi Việt Nam |
Nhu cầu nội địa cải thiện đáng kể. Xuất khẩu thực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự hồi phục của kinh tế Việt Nam bắt đầu từ cuối năm ngoái và được thúc đẩy bởi gia tăng xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất và việc mở rộng quy mô của khối FDI. Mặc dù tiêu dùng nội địa phục hồi chậm hơn nhưng đà tăng vẫn đều đặn, với những tín hiệu đầy hứa hẹn trong quý II.
Citi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 6% lên 6,4%, tương ứng với mức tăng trưởng lạc quan trong vùng 6-6,5%. Mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái cũng bởi những tác động cơ bản đối với nền kinh tế thuận lợi hơn khi Việt Nam đã vượt qua được những thách thức mà giai đoạn này năm ngoái phải đối mặt.
“Dựa trên nền tảng phục hồi vững chắc này, chúng tôi tin tưởng vào khả năng vượt qua trở ngại của Việt Nam để tiếp tục con đường tăng trưởng tích cực. Lĩnh vực FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và Citi luôn nỗ lực hỗ trợ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như thúc đẩy tăng trưởng của tệp khách hàng là các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động tại Việt Nam” bà Ngô Thị Hồng Minh, Giám đốc Khối Thị trường Tài chính và Nguồn vốn của Citi Việt Nam cho biết.
Trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức cao, các chuyên gia kinh tế của Citi vẫn lạc quan rằng tỷ lệ lạm phát còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Mặc dù lạm phát giá lương thực trong tháng 6 khá cao, ảnh hưởng đến chỉ số chung nhưng lại được cân bằng bởi đà giảm của giá nhiên liệu. Trong tương lai, có thể có những điều chỉnh về giá điện trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến có thể dẫn đến khả năng giảm giá dầu vào nửa cuối năm 2024 và năm 2025, điều này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, giá gạo giảm ở các nước láng giềng có thể làm giảm nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫn đến lạm phát giá lương thực trong nước giảm.
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế của Citi không cho rằng mức lạm phát mục tiêu 4,5% sẽ bị phá vỡ, mặc dù lạm phát nền đã tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi, áp lực lạm phát có thể tăng lên nhưng dự kiến sẽ ở trong mức kiểm soát.
Mặc dù có một số áp lực tăng đối với tỷ giá đô la Mỹ Việt Nam Đồng, nhưng tình hình đã ổn định nhờ các chính sách điều tiết của cơ quan quản lý. Thặng dư lớn của tài khoản vãng lai (5% GDP) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (3% GDP) trong quý đầu năm 2024 đã góp phần vào sự ổn định này.