Citi thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng của khách hàng ở Châu Á
Bà có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về vai trò của mảng Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế (TTS) được Tổng Giám đốc Citi toàn cầu Jane Fraser ví như vương miện của ngân hàng?
TTS là cột trụ quan trọng mà khách hàng của chúng tôi sử dụng để truy cập vào mạng lưới toàn cầu của Citi và chuyển tiền trên khắp thế giới. TTS hỗ trợ khoảng 18.000 doanh nghiệp trên 95 thị trường toàn cầu, với hệ thống giải pháp giúp khách hàng quản lý dòng tiền và nhu cầu vốn lưu động bằng cách cung cấp các giải pháp thanh toán tích hợp, quản lý thanh khoản, tài trợ ngắn hạn và tài trợ thương mại.
Bộ phận TTS đã mang lại doanh thu hơn 12 tỷ đô la vào năm 2022 và tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ vào năm 2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái vào cuối quý hai năm nay.
Tại sao các thị trường châu Á như Việt Nam lại đặc biệt thú vị vào thời điểm này?
Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, thực tế ngày càng có nhiều công ty châu Á vươn ra toàn cầu với tốc độ kỷ lục. Nền tảng tăng trưởng của khu vực rất mạnh và tại đây có nhiều cơ hội mới chưa được khai thác. Châu Á đang phát triển nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới và Việt Nam thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với phần còn lại của châu Á và phương Tây.
Châu Á đang chứng kiến sự tăng tốc hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Khi các quốc gia tăng cường cơ sở hạ tầng điện tử và nắm bắt các công nghệ mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới cách thức bán hàng và tiến hành các hoạt động thương mại với người tiêu dùng.
Chúng tôi nhận thấy quá trình tăng tốc kỹ thuật số này cũng đang diễn ra ở Việt Nam, nơi các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây, đặc biệt là các giao dịch bằng mã QR tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chứng kiến quá trình chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại cũng như nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính hiện đại ngày càng gia tăng trong nhóm khách hàng doanh nghiệp của Citi.
Tại sao Citi định vị mình trong vai trò hỗ trợ thương mại ở châu Á thay vì thuần tuý là một ngân hàng phục vụ nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp?
Chúng tôi vẫn tham gia nhiều vào việc quản lý và thực hiện các dịch vụ thanh toán quốc tế truyền thống cho các doanh nghiệp và đóng vai trò của một ngân hàng giao dịch theo nghĩa chúng tôi giúp khách hàng thu tiền, thanh toán, cho vay, làm trung gian tài chính cũng như đối chiếu rà soát cho khách hàng. Nhưng vai trò của chúng tôi đã phát triển, khi các mô hình kinh doanh thay đổi và các hình thức thương mại mới đã xuất hiện như thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số, thương mại xã hội...
Hãy để tôi minh họa điều này rõ ràng hơn thông qua một ví dụ về ứng dụng gọi xe. Bạn đặt một chuyến đi trên ứng dụng, thẻ của bạn được ghi nợ và tiền được gửi cho tài xế. Người lái xe phải nhận được số tiền đó trước khi xác nhận chuyến đi và sau đó bạn sẽ nhận được xác nhận đặt chỗ. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong vài giây trên ứng dụng của người dùng, nhưng có rất nhiều quy trình phải xử lý ở hậu trường để mang lại trải nghiệm liền mạch này cho khách hàng. Đó là điều mà các ngân hàng như Citi hỗ trợ.
Nhu cầu có trải nghiệm theo thời gian thực đang thay đổi cách thức tiến hành thương mại và đó là lý do tại sao chúng tôi không phải chỉ là một ngân hàng làm trung gian cho các giao dịch; chúng tôi là một ngân hàng hỗ trợ thương mại.
Nhiều ngân hàng trong nước và quốc tế đang đổi mới để đáp ứng nhu cầu thời gian thực. Tại Việt Nam, các ngân hàng trong nước đang làm điều này khá tốt. Đâu là lợi thế cạnh tranh của Citi tại Việt Nam và khu vực?
Mạng lưới toàn cầu của Citi là điểm khác biệt chính, cùng với đó là tính đồng nhất của nền tảng, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng của chúng tôi. Khi bạn thêm yếu tố xuyên biên giới vào những dịch vụ được các công ty cung cấp, bạn sẽ mong đợi trải nghiệm giống nhau cho dù bạn ở Hoa Kỳ, Singapore hay Việt Nam.
Là một đối tác ngân hàng, Citi cần có khả năng cung cấp trải nghiệm tương tự cho các khách hàng doanh nghiệp của mình trên khắp thế giới, đồng thời tính đến sự khác biệt về nền tảng, luật lệ. Đó là lý do tại sao chiến lược của chúng tôi là trở thành ngân hàng vượt trội đối với các khách hàng có nhu cầu giao dịch xuyên quốc gia.
Từng thị trường ở châu Á đều có sự khác biệt về cơ quan quản lý, hệ thống thanh toán, hệ thống thanh toán bù trừ, tiền tệ, cách định danh và thậm chí cả mã QR cũng đều khác nhau ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khách hàng của chúng tôi phải cảm thấy rằng tất cả đều tương tự và với tư cách một nhà cung cấp dịch vụ, chúng tôi cần làm được điều đó. Có rất nhiều thứ giúp tạo ra sự đơn giản và đồng nhất của trải nghiệm dịch vụ. Từ góc độ xuyên biên giới, chúng tôi hơn bao giờ hết hiện đang là ngân hàng hỗ trợ thương mại.
Citi hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam như thế nào?
Thương mại luôn là hoạt động cần nhiều thủ tục giấy tờ nhất trong kinh doanh. Bất kỳ giao dịch nào cũng đòi hỏi vô số giấy tờ cần xử lý, và điều này làm mất nhiều thời gian và gây chậm trễ cho hoạt động kinh doanh.
Có ba yếu tố chính trong chuyển đổi số thương mại. Điều thứ nhất liên quan đến cách chúng tôi làm việc với khách hàng của mình; chẳng hạn, họ có thể gửi giấy tờ tài liệu của họ cho chúng tôi qua nền tảng điện tử hay không. Tiếp nữa là số hoá các quy trình nội bộ của chính chúng tôi - ví dụ: liệu chúng tôi có thể tiến hành kiểm tra cấm vận thương mại và các kiểm soát khác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và các công cụ kỹ thuật số hay không, để có thể tiết kiệm hàng giờ cho việc kiểm tra một cách thủ công. Cuối cùng, chúng tôi cần xem liệu các bên thứ ba và đối tác có chấp nhận các tài liệu số hóa về thuế, thủ tục hải quan và các quy trình khác hay không.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu dịch vụ Thiết lập quan hệ khách hàng thông qua phương thức kỹ thuật số (CitiDirect BE Digital Onboarding) cho các khách hàng doanh nghiệp và hiện tại, phần lớn tài khoản được mở đã được thực hiện trên nền tảng điện tử. Chúng tôi cũng đã giới thiệu Trung tâm Tài liệu trên nền tảng CitiDirect BE, một dịch vụ mới giúp số hóa các tài liệu bổ trợ và chuẩn hóa các quy trình liên quan khi thực hiện thanh toán quốc tế dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Những năng lực ngân hàng điện tử này, bao gồm cả khai báo hải quan điện tử và thanh toán thuế điện tử, đã giúp Citi có thể cung cấp một bộ dịch vụ ngân hàng điện tử toàn diện cho các khách hàng doanh nghiệp của mình tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!