Cơ cấu lại thời hạn trả nợ: Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão
Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ |
Dự kiến thời gian cơ cấu nợ tối đa 1 năm
Dự thảo Thông tư quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng một số quy định.
Cụ thể, khách hàng thuộc đối tượng nêu trên có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 07/9/2024 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa là 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhưng không muộn hơn 31/12/2026. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2026.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, việc xây dựng Dự thảo rất kịp thời, phù hợp. Từ đó, một mặt giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, mặt khác giúp ngân hàng không vướng phải giới hạn về nợ xấu để có thể tiếp tục cho vay. Vấn đề làm sao triển khai linh hoạt, nhưng đảm bảo đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng chính sách.
Theo Dự thảo, TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến ngày Thông tư này có hiệu lực. Những khách hàng được TCTD cơ cấu nợ và được đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp: do bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đối tác của khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 nên không thực hiện được đúng, đầy đủ các cam kết, thỏa thuận đã ký với khách hàng. Cùng với đó, khách hàng cũng phải được TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Quy định này loại trừ trường hợp khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đang cần có thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất kinh doanh.
Lý giải về quy định này, theo NHNN, tại các buổi làm việc, TCTD cho rằng nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng mất hết lồng bè và cá, thiệt hại phần lớn vật nuôi cây trồng… Sau khi hết thiên tai, khách hàng cần thời gian nhất định để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, thu dọn, sắp xếp, sửa chữa lại nhà cửa, cơ sở kinh doanh. Việc thu xếp nguồn vốn để sửa chữa, phục hồi các cơ sở sản xuất kinh doanh, mua giống vật nuôi, cây trồng cũng hết sức khó khăn. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kế hoạch trả nợ đảm bảo khả năng trả nợ sau cơ cấu theo quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất khó khăn.
Việc tổng hợp đánh giá thiệt hại và thực hiện các chính sách của nhà nước bồi thường thiệt hại do thiên tai, khoanh nợ cũng cần khá nhiều thời gian để xử lý. Thực tế, việc xử lý khoanh nợ cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải cần 6-8 tháng có trường hợp là hơn 1 năm do phải thực hiện xử lý tại nhiều cấp ở địa phương, các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đó cũng là lý do dự thảo Thông tư có quy định để xử lý đối với tình huống nêu trên, đảm bảo TCTD có thể triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định pháp luật. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trường hợp này được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không quá 01 năm kể từ ngày được cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ của TCTD cho khách hàng có thể làm thay đổi kế hoạch huy động và sử dụng nguồn vốn của TCTD. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư cho phép TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp theo khả năng tài chính của TCTD. Hiện tại nguồn vốn huy động của các TCTD khá dồi dào. Mặt khác, trường hợp cần vốn để đáp ứng nhu cầu về thanh khoản, các TCTD có thể được đáp ứng qua các công cụ của NHNN tái cấp vốn, chiết khấu, thị trường mở... Do vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của TCTD cho khách hàng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động và khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD.
Ghi nhận sự quyết liệt trong triển khai các chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão |
Quyết liệt giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được đánh giá tác động tích cực giúp khách hàng được điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng thu xếp các nguồn tiền trả nợ, đồng thời giúp khách hàng có dòng tiền để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống. NHNN đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép TCTD được giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.
TS. Võ Trí Thành ghi nhận sự quyết liệt trong việc triển khai các chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, để có chính sách hỗ trợ mạnh, mang tính toàn diện hơn cần phải có sự phối hợp từ chính sách tài khóa, từ nguồn lực của các chương trình trước đây vẫn còn chưa sử dụng hết. Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các ngân hàng nắm bắt tình hình, theo dõi hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, NHNN để thực hiện theo quy định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian cho phép cơ cấu lại nợ là phù hợp. Nhưng các ngân hàng cân nhắc thời hạn cho vay thời gian dài với lãi suất thấp hơn để khách hàng có thể tái đầu tư sản xuất. Vì thực tế, thời gian qua, các ngân hàng cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, cũng phải đảm bảo an toàn cho hoạt động. Để có lãi suất cho vay tốt hơn ngân sách có thể bù đắp hỗ trợ một phần để các ngân hàng mạnh dạn giảm mạnh lãi suất theo mức độ thiệt hại của khách hàng. Ngoài ra, còn có một số nguồn hỗ trợ khác như từ quỹ ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc... “Việc phân phối nguồn lực hỗ trợ phải có phương pháp rõ ràng, đánh giá trên thiệt hại của người dân, doanh nghiệp tránh việc trục lợi từ chính sách để đảm bảo công bằng, minh bạch tiền hỗ trợ đến tay người cần”, PGS. TS Huân lưu ý.