Cơ cấu nguồn thu ngân sách
Sự gia tăng nợ công gần vượt ngưỡng an toàn đã được cảnh báo nhiều, cùng với thâm hụt ngân sách có xu hướng tăng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công. Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công với mục tiêu cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp cần thực hiện là tập trung cơ cấu lại nguồn thu. Để cơ cấu lại nguồn thu Bộ Tài chính đang tiến hành xây dựng Dự án Luật nhằm cải cách chính sách thuế theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, tháo gỡ khó khăn cho DN, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, chống thất thu ngân sách Nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá…
Ảnh minh họa |
Vấn đề đặt ra là việc chỉnh sửa đó như thế nào để đạt được mục đích trên? Trong việc sửa đổi theo như các lý giải của cơ quan soạn thảo thì việc mở rộng cơ sở thu thuế cũng đã được quan tâm và việc thu thuế đã được mở rộng thêm một số đối tượng, song chưa đủ. Hiện nay rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ, lẻ chưa được quan tâm thu thuế đúng mức và thu đủ. Trong dự thảo Dự án Luật lần này, chưa điều chỉnh trường hợp này. Vì vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ để chỉnh sửa trong Dự án Luật và áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với những trường hợp đó.
Thêm vào đó, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng, tiết kiệm được chi phí bỏ ra khi giao dịch tiền mặt, hạn chế tham nhũng, hối lộ, hạn chế phát triển kinh tế ngầm, theo đó góp phần chống thất thu thuế. Thực tế hiện nay cho thấy, trong kinh doanh mua bán, dù mua hàng trên mạng (online), nhưng người mua muốn nhận hàng rồi trả tiền mặt cho yên tâm, một số siêu thị bán hàng cũng khuyến khích trả tiền mặt, điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý và thu thuế.
Trong dự thảo sửa đổi Luật thuế lần này cũng đã đề cập đến việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, theo đó một trong những điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dịch vụ mua vào trừ những hàng hóa dịch vụ mua từng lần có giá trị từ mức 20 triệu đồng, xuống còn dưới mức 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, sửa đổi như vậy thì việc thanh toán bằng tiền mặt để trốn thuế chưa khắc phục được nhiều. Mặc dù vấn đề mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ khác. Song nếu mở rộng các trường hợp nộp thuế qua thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu, thì cũng cần được nghiên cứu thêm để sửa đổi trong dự thảo dự án Luật thuế.
Một vấn đề mà xã hội rất quan tâm sửa đổi trong Dự án Luật lần này là tăng VAT. Câu hỏi đặt ra liệu tăng VAT có thay đổi cơ cấu nguồn thu hay không? Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, việc tăng VAT cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể gắn với tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân thì mới thấu tình đạt lý.