Cơ hội bứt phá cho xuất khẩu gạo
Tăng cả lượng và giá trị
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Tín hiệu vui là sản phẩm của Việt Nam có mức giá cao hơn đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 50-100 USD/tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo thế giới tăng. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại sản xuất lúa và xuất khẩu gạo theo hướng giảm gạo phẩm cấp thấp và trung bình tăng mạnh gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo đặc sản đã góp phần quan trọng đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên.
Chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện rõ rệt |
Đáng chú ý chất lượng gạo của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đây là hiệu quả từ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. DN không chỉ thu mua mà tham gia liên kết nông dân để thành những vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất. Chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhiều thị trường. Bộ NN&PTNT đặt ra kế hoạch, đến năm 2020, tỷ trọng gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo Việt có nhiều cơ hội những tháng cuối năm khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 500 nghìn tấn gạo vào tháng 12/2018. Trong khi, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn các đối thủ như Việt Nam, Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu từ vụ mùa hiện tại. Nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao.
Không chỉ vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP với những quy định mở hơn về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích đối với mặt hàng nông sản chủ lực này.
Cơ hội bứt phá
Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Như vậy, các điều kiện về kho chuyên dùng phải có sức chứa tối thiểu 5 nghìn tấn thóc hay cơ sở xay, xát thóc, gạo phải có công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ đã được bãi bỏ.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính được giảm thiểu rất nhiều cho DN. Đơn cử, thương nhân tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã kê khai. Các cơ quan chức năng tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo, đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.
PGS. TS. Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh, vấn đề kinh doanh xuất khẩu gạo là vấn đề của các DN. Các DN phải cạnh tranh lành mạnh với nhau. Có làm như vậy chúng ta mới nhanh chóng có được các công ty lương thực mạnh.
“Việt Nam đã có chặng đường dài xuất khẩu gạo, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có được công ty kinh doanh xuất khẩu gạo nào có thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế, đây là một điều đáng tiếc”, ông Nam nói.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm đó chính là quy định các thương nhân tham gia xuất khẩu gạo như: gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo hữu cơ không cần phải tuân thủ các quy định nêu trên, không cần phải thực hiện quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc và những báo cáo theo quy định hiện hành. Đây là những điểm mới so với Nghị định 109.
Có thể khẳng định, Nghị định 107 ra đời đã “cởi trói” cho các DN, mở hướng giúp xây dựng các DN kinh doanh xuất khẩu giỏi, có uy tín, có thương hiệu. Xác định được thương hiệu của DN không chỉ trên thương trường trong nước mà còn trên thương trường thế giới. Trước đây, trong Nghị định 109 chỉ xoay quanh 150 DN xuất khẩu gạo, tuy nhiên Nghị định 107 mở rộng tất cả các đối tượng DN tham gia vào các phân khúc, các chủng loại gạo khác nhau, việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn, ông Trần Văn Công cho biết.
4 năm nay, bình quân mỗi tháng Công ty TNHH Cỏ May xuất khẩu sang Singapore gần 20 tấn gạo hữu cơ các loại. Khi nghị định này có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội cho công ty mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu khi những điều kiện để xuất khẩu gạo hữu cơ được nới rộng, đại diện DN này cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nam cũng nhận định, cơ chế thị trường sẽ mở ra môi trường kinh doanh sòng phẳng hơn, lành mạnh hơn, tạo ra những động lực thiết thực hơn cho nhà sản xuất và người kinh doanh. Chính những động lực này sẽ thúc đẩy DN, nhà sản xuất phấn đấu vươn lên.
Ông Trần Văn Công nhấn mạnh, Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 1/10/2018 với những quy định mới giúp giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy số lượng DN tham gia xuất khẩu gạo sẽ giúp cho hạt gạo Việt vươn xa trên thị trường.