Cơ hội cho công nghiệp vi mạch điện tử
Ngành vi mạch, điện tử liên kết để phát triển |
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP.Hồ Chí Minh cũng nêu rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào thành phố bao gồm: “Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên...”.
Theo đó, thành phố sẽ đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thị trường vi mạch điện tử; vận hành và khai thác có hiệu quả thành tựu của các nhà thiết kế; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, xây dựng các giải pháp dùng các sản phẩm vi mạch của Việt Nam…
Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) là một trong những đơn vị tiên phong trọng điểm phát triển ngành công nghiệp vi mạch của thành phố. TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý cho biết, thời gian qua SHTP đã thí điểm đổi mới hoạt động trong xúc tiến đầu tư, gắn với phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch; thí điểm thành lập các trung tâm đào tạo, ươm tạo lĩnh vực điện tử (IETC), vi mạch bán dẫn (SCDC) trên cơ sở huy động một cách sáng tạo các nguồn lực nhằm bổ khuyết cho hệ sinh thái các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn; hỗ trợ hình thành các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH Meiko Việt Nam |
Theo ông Thi, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã đón nhận đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng vi mạch như nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP; một số doanh nghiệp thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đến Việt Nam cùng với Samsung. Tất cả các chỉ số về hoạt động, đầu tư, quy mô vốn, nhu cầu thị trường… đều cho thấy quy mô của ngành vi mạch điện tử đã đủ lớn để tạo ra hệ sinh thái vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, mà trước tiên sẽ nằm ở các khâu thiết kế và đóng gói. “SHTP xác định rõ phân khúc thu hút đầu tư, đi sâu vào các công đoạn thiết kế, đóng gói... xoay quanh những nhà đầu tư "mỏ neo" hiện hữu như Intel. Chúng ta cần củng cố chuỗi cung ứng của Intel thông qua việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, thu hút các nhà đầu tư mới từ Mỹ và các quốc gia khác nằm trong chuỗi cung ứng của Intel”, ông khẳng định.
Song song với việc thu hút các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công nghệ nguồn về lĩnh vực vi mạch, điện tử đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đã ươm tạo được khoảng 10 doanh nghiệp vi mạch điện tử. Ngoài ra, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng rất được chú trọng. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu có hơn 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong giai đoạn 2023-2027, thông qua các khóa đào tạo năng lực 200 kỹ sư/năm và 100 sinh viên tốt nghiệp/năm.
Nói về cơ hội của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, ông Wade Cruse, nhà điều hành khu vực Đông Nam Á của Công ty Bain & Company (Mỹ) cho biết, Việt Nam và Ấn Độ đang là hai điểm đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Hiện nay, các tập đoàn bán dẫn toàn cầu đều xếp Việt Nam ở vị trí cao trong kế hoạch đầu tư của họ.
Đầu tháng 9 vừa qua, SHTP đã thành lập Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) với mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch. Việc ra mắt trung tâm này có ý nghĩa rất quan trọng, cả về khía cạnh chính trị, ngoại giao lẫn khía cạnh chiến lược phát triển kinh tế khi Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện này cũng cho rằng, sự ra mắt ESC là minh chứng cho nỗ lực của TP.Hồ Chí Minh trong thử nghiệm những cơ chế chính sách, mô hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 98 tạo ra những động lực mới trong quá trình phát triển.