Cơ hội để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là thành viên chính thức của WFE
|
Theo World Bank, dự kiến có thể có khoảng 7,2 tỷ USD/năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường |
Ngày 28/9/2023, Tổ chức FTSE Russell đã công bố Danh sách phân hạng các thị trường cổ phiếu kỳ đánh giá tháng 9/2023. Theo đó, Việt Nam tiếp tục được FTSE duy trì trong danh sách chờ xem xét nâng hạng từ thị trường mới nổi lên thị trường cận biên.
“Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ trong kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3/2024” - thông báo của FTSE Russell nêu rõ.
Mặc dù tiến triển về các cải cách dự kiến còn chậm, tuy nhiên các cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thể hiện tái cam kết của mình đối với các công việc cần phải thực hiện. Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cho thấy luồng năng lượng tươi mới trong việc tìm kiếm giải pháp có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)” - FTSE Russell đánh giá.
FTSE Russell cũng cho biết, tổ chức này tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác xây dựng với UBCKNN, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ernst & Young - các đối tác hỗ trợ chương trình cải cách thị trường, cũng như các cơ quan quản lý thị trường khác.
Tổ chức này cho biết, việc phân định cuối cùng về vai trò và trách nhiệm cần có trong mô hình thanh toán theo quy định của luật mới vẫn là một bước trọng yếu. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý của Việt Nam phải đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước cũng như khung thời gian cho việc triển khai.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, dự kiến dòng vốn khoảng 7,2 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam mỗi năm; đồng thời sẽ giúp khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó, ảnh hưởng tích cực đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán.
Nhiều cơ hội nâng hạng vào năm 2024
Công ty CP Chứng khoán BSC cho biết, để TTCK Việt Nam tiếp tục có bước chuyển mình mới, hội nhập sâu rộng với sự phát triển chung trong khu vực và thế giới rất cần sự chỉ đạo, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý, sự chung tay của các thành viên tham gia trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 mà Bộ Tài chính đã đặt ra.
Đơn vị này cũng cho rằng, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vào vận hành cuối năm 2023 sẽ là một điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá còn lại trong năm đối với TTCK Việt Nam.
Nhận định về điều này, các chuyên gia SSI cho rằng, cơ hội được FTSE Russel nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024 và khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong các năm sau.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu và kỳ vọng này, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.
Hiện, các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể bảo đảm thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.
Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).
Một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch. Do vậy, việc thỏa mãn yếu tố này (hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài) nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần nhìn nhận là cả hai chính sách/biện pháp này tốt nhất cần được phối hợp cùng nhau để đưa lại hiệu quả tối đa của quá trình đón nhận dòng vốn từ nước ngoài vào.
Tiếp theo, vai trò của các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán là rất quan trọng trong việc vận hành thị trường chứng khoán. Với kỳ vọng việc nâng hạng sẽ giúp quy mô thị trường sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống vận hành và các quy trình quản trị rủi ro của công ty chứng khoán cần được tập trung chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu liên quan tới giao dịch.
Cuối cùng, với các DN niêm yết, cần hiểu rõ được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong quá trình nâng hạng thị trường. Ví dụ với quá trình điều chỉnh giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các DN có thể chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh để đề xuất nới giới hạn sở hữu.
Hiện tại, với những nỗ lực và quyết tâm từ cơ quan quản lý, các bước đi để tiến tới nâng hạng thị trường đang trong quá trình khởi động. Các thành viên thị trường và các nhà đầu tư cần có thêm thời gian để thích ứng với các giải pháp mà cơ quan quản lý dự kiến ban hành triển khai áp dụng thực tiễn.
“Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó về phía các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Tài chính hay Ủy Ban Chứng khoán, các Luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.