Cơ hội nào cho ngành thép Việt vào cuối năm nay
Giảm áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào
Trong giai đoạn nửa đầu năm, thị trường đã chứng kiến sự tăng vọt của giá các mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thép trước hàng loạt rủi ro về nguồn cung. Điều này đã đẩy giá thép thế giới nói chung và giá thép nội địa nói riêng liên tục tăng cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi phí sản xuất giảm đáng kể đã giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép khởi sắc hơn so với giai đoạn trước.
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index Kim loại kết thúc ngày giao dịch 28/9 đạt mức 1.528 điểm, thấp hơn gần 20% so với hồi đầu năm. Một trong những nguyên nhân kéo theo đà sụt giảm này đó là sự suy yếu của nhiều mặt hàng kim loại cơ bản, đặc biệt là giá quặng sắt được giao dịch liên thông với Sở giao dịch Singapore (SGX). So với vùng đỉnh được thiết lập vào hồi đầu tháng 3 ở mức 165 USD/tấn, giá quặng sắt SGX đã đánh mất 40% giá trị, hiện đang đạt mức 94 USD/tấn.
Ngoài quặng sắt, giá của các nguyên liệu đầu vào quan trọng khác cũng cho thấy xu hướng giảm đáng kể. Giá than luyện cốc từ mức 640 USD/tấn hồi giữa tháng 3 giảm xuống còn chưa đầy 300 USD/tấn và thấp hơn cả mức giá đầu năm. Giá thép phế cũng giảm khoảng 30% so với mức đỉnh trong năm nay. Các đầu vào khác, đặc biệt là sự hạ nhiệt của giá xăng dầu đã góp phần làm giảm áp lực chi phí đối với các doanh nghiệp sản xuất.
“Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng xu hướng giảm một phần xuất phát từ bức tranh tiêu thụ sắt thép trên thế giới vẫn đang ở mức khá yếu. Điều đó sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà sản xuất sắt thép toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng”, MXV cảnh báo.
Thách thức lớn nhất ở phía cầu
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV cho biết: “Nếu như trong nửa đầu năm nay, yếu tố nguồn cung ảnh hưởng mạnh tới giá nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm sắt thép, thì ở thời điểm hiện tại, bài toán về nhu cầu đang là yếu tố chi phối hơn cả. Trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và các nước tại khu vực Châu Âu (EU) liên tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát phi mã, rủi ro suy thóai gia tăng sẽ phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ sắt thép trên thế giới”.
Tại Mỹ, lãi suất chính sách đang ở ngưỡng 3,0 - 3,25% sau 5 đợt tăng liên tiếp từ tháng 3 cho đến nay. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008 và điều này góp phần đẩy lãi suất cho vay thế chấp bất động sản tăng vọt.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Địa ốc Mỹ, lãi suất trung bình cho 1 khoản thế chấp 30 năm đang ở ngưỡng 6,5% và là mức cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. Chỉ số đo lường khả năng mua nhà cho người mua lần đầu sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, đạt 68 điểm, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 96,1 hồi đầu năm nay.
“Cần lưu ý rằng, cơ cấu sử dụng thép trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản toàn cầu chiếm tới khoảng 52% tổng tiêu thụ theo lĩnh vực”, MXV lưu ý.
Trong khi đó, tại quốc gia tiêu thụ sắt thép hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc, nhu cầu phục hồi tương đối chậm chạp trước sức ép từ lĩnh vực bất động sản trì trệ và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trước rào cản về triển vọng tiêu thụ toàn cầu, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm nay liên tục gặp khó. Tính đến giữa tháng 9/2022, nước ta đã xuất khẩu hơn 6,1 triệu tấn sắt thép, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8 năm nay, lượng sắt thép xuất khẩu giảm khoảng 66% so với cùng thời điểm năm 2021.
Trong khi đó, nhập khẩu duy trì sự ổn định khi giai đoạn từ đầu năm đến ngày 15/9 chỉ giảm nhẹ 8,5% so với năm trước. Điều này cho thấy ngành thép trong nước đang từng bước nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thế giới. Tuy nhiên, bài toán về tiêu thụ toàn cầu đang thực sự là một vấn đề nan giải cho hoạt động xuất khẩu vốn đem lại giá trị kinh tế cao.
Thép Việt vẫn có thể tận dụng cơ hội
Mặc dù khó khăn là khó tránh khỏi, tuy nhiên giai đoạn quý IV sẽ ẩn chứa nhiều hơn những cơ hội đối với các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam.
Về hoạt động thương mại quốc tế, theo MXV, trong bối cảnh ngành thép tại khu vực EU đang phải đối diện với loạt rủi ro từ cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho nhiều nhà máy cắt giảm sản lượng và đứng trước tình trạng đóng cửa, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ nhằm thúc đẩy xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng này.
Mới đây, nhà máy thép Aperam ở phía Đông nước Bỉ vừa phải đưa ra quyết định ngừng sản xuất do không thể trang trải chi phí nhiên liệu, đặc biệt là khi dòng chảy khí đốt gặp nhiều gián đoạn trước các bất ổn địa chính trị. Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới cũng đang tiến hành thu hẹp sản xuất nhằm hạn chế tổn thất.
“Nếu tình trạng này kéo dài, ngành sản xuất thép tại EU có thể bị tê liệt và phụ thuộc phần lớn từ việc nhập khẩu từ các quốc gia khác”, MXV nhận định.
Hiện tại, EU là khu vực chiếm tới 18% lượng thép xuất khẩu của nước ta, chỉ sau khu vực ASEAN. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lượng xuất khẩu sang EU vẫn tăng nhẹ 0,8% và con số này nhiều khả năng sẽ còn tăng trong giai đoạn quý IV.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh thép Việt Nam, đặc biệt là thép xây dựng cũng rộng mở hơn trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế xuất khẩu thép nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon.
“Giai đoạn cuối năm cũng sẽ là mùa xây dựng của quốc gia này, do đó bức tranh tiêu thụ hứa hẹn sẽ có sự khởi sắc hơn”, Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự báo.
Đối với tiêu thụ nội địa, quý IV cũng sẽ là thời điểm vàng cho đà bứt phá tiến độ của hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng.
“Nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và là tín hiệu tích cực cho ngành sắt thép tại Việt Nam”, nhìn nhận thêm về triển vọng cầu trong nước.