Cơ hội và thách thức chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh để tăng trưởng bền vững Góp sức cùng TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi xanh và xây dựng kinh tế xanh |
Trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động theo các cam kết và thỏa thuận quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh. Đặc biệt là những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việc triển khai ngân hàng xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng trên thế giới và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xếp hạng của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Tăng trưởng xanh đã sớm được ngành Ngân hàng định hình và cụ thể hóa và đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế |
Vì vậy, thời gian qua, NHNN Việt Nam đã có nhiều chính sách, định hướng khuyến khích các TCTD chuyển đổi xanh, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thông qua: Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Định hướng phát triển ngân hàng xanh trong Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, bám sát những cam kết và định hướng chiến lược của Chính phủ, tầm nhìn xanh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã sớm được ngành Ngân hàng định hình và cụ thể hóa trong quá trình hoạt động, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên phát triển xanh ở Việt Nam đang có hai thách thức lớn. Thứ nhất là về nguồn vốn, theo WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt NET ZERO. Do đó việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh chắc chắn gặp không ít khó khăn. Thách thức thứ hai là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; Đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; Các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin... Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành. Theo đó, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay cần quá trình để từng bước vượt qua những thách thức.
GS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, đối với tăng trưởng xanh còn nhiều việc phải làm, nhất là nguồn lực cũng phải thay đổi rất nhiều với chi phí lớn, có thể cần từ 200-300 tỷ USD vào năm 2030. “Vốn là một phần, quan trọng hơn là sự tham gia từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp để phục vụ chuyển đổi xanh. Đặc biệt là xã hội của chúng ta, làm thế nào để tất cả đều tham gia vào và hướng tới mục tiêu xanh", ông Trần Đình Thiên nói.
Mặc dù chuyển đổi xanh còn nhiều thách thức nhưng các ngân hàng cũng đã có những nỗ lực để đẩy mạnh phát triển các dự án xanh. Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, với vị thế ngân hàng toàn cầu, chúng tôi có những tham vọng lớn với phát triển xanh. Sau khi Thủ tướng công bố tại COP 26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. HSBC cũng có hành động phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng để phối hợp đưa ra chương trình hành động, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường quốc tế. “Hiện tại chúng tôi đã thu xếp được 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam. HSBC luôn đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi xanh như hỗ trợ khách hàng chuyển đổi công nghệ, xây dựng khung chính sách cho dự án xanh...”, bà Nga thông tin thêm.
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB cho biết, ngành Ngân hàng nói chung và SHB nói riêng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tại SHB, từ sớm, ngân hàng đã xác định chiến lược Ngân hàng xanh. Theo đó, dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp xanh. Các dự án này đều được SHB áp dụng các chính sách, chương trình ưu đãi từ nguồn vốn trực tiếp hoặc thông qua kết nối với các nguồn vốn quốc tế. Ngoài ra, ngân hàng đã và đang triển khai hợp tác với các tổ chức quốc tế trong tư vấn tiêu chí, tiêu chuẩn tài trợ các dự án xanh.
Chỉ tính riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của SHB chiếm tới 37%/ tổng dư nợ. Rất nhiều khách hàng của ngân hàng đang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế như chứng chỉ Vietgap, Global gap, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao… Đây chính là tập khách hàng tiềm năng để SHB tiếp tục tăng trưởng dư nợ nông nghiệp xanh trong tương lai.
Muốn tín dụng xanh phát triển hơn, theo ông Dũng, chính sách ưu đãi rất quan trọng. Do vậy, ngân hàng liên tục dành các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực này. Đơn cử, SHB triển khai gói tín dụng quy mô 6.000 tỷ đồng với lãi suất thấp trong giai đoạn 2023-2024 hỗ trợ vốn lưu động, trong đó cũng có ưu tiên phát triển xanh. “Ngoài gói tín dụng trên, SHB cũng còn có nhiều gói ưu đãi, lãi suất thấp hơn thông thường 1-1,5%/năm áp dụng cho tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định. Trong định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022 - 2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh”, ông Dũng cho biết thêm.