Cơ hội và thách thức đối với kinh doanh xe điện
Đi tìm lời giải cho bài toán đắt - rẻ giữa ô tô điện và xăng VinFast chuẩn bị động thổ dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Tamil Nadu, Ấn Độ Đầu tư hạ tầng xe điện tạo đột phá về giao thông xanh |
Tại Việt Nam, kinh doanh vận tải taxi công cộng bằng ô tô điện là mô hình mới. |
Được - mất khi sử dụng xe điện
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 75.000 xe taxi và chạy dịch vụ các loại, trong đó riêng xe thuần điện có gần 30.000 chiếc, chiếm xấp xỉ 40%, chủ yếu là các dòng xe của VinFast.
Tại Việt Nam, kinh doanh vận tải taxi công cộng bằng ô tô điện là mô hình mới, có bước phát triển đột phá trong hai năm qua, giúp giảm phát thải đối với các hãng taxi, từng bước thay thế đội xe chạy xăng, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi toàn bộ taxi chạy xăng sang xe điện vào năm 2030 tại các đô thị.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), xe điện có nhiều lợi thế khi sử dụng để kinh doanh vận tải bởi chi tiết cấu thành ít hơn xe dùng động cơ đốt trong. Xe điện không có hộp số, không cần thay dầu, thay lọc gió, lọc dầu… Vì vậy, chi phí bảo trì, bảo dưỡng ô tô điện cũng giảm nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT Công ty Én vàng (Hải Phòng), công ty đã xác định đưa xe điện vào thay thế dần xe xăng, không đầu tư xe xăng trong tương lai, quyết định này đã từng gây nhiều tranh cãi ngay trong doanh nghiệp cũng như với đội ngũ lái xe.
Tuy nhiên, theo tính toán của doanh nghiệp, xe điện hay xe xăng mà đem lại hiệu quả đầu tư cao, chi phí thấp và vòng đời dài là sẽ ưu tiên lựa chọn. Hiện 1km xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng, còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 đến 600 đồng tiền điện.
Anh Thành Lương - một tài xế taxi điện cho hay,anh đã lựa chọn xe điện bởi chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp, khoang xe không có mùi, không gây tiếng ồn nên được hành khách đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Bách - đại diện hãng taxi Bách Đại Dũng cho biết, chi phí đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn nhưng về lâu dài sẽ có lợi hơn.
Ông Hồ Quang Hiếu, đại diện taxi MaiLove cho rằng, giá xe điện cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư nên hãng mới thuê chứ chưa mua xe điện.
Theo ông Phan Thanh Uy - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các nhà sản xuất xe điện cũng cần lưu ý quan tâm đến chất lượng xe, nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút doanh nghiệp lựa chọn. Chi phí đầu tư phương tiện cũng cần hợp lý, tính toán sao cho sau 5-7 năm có thể thu hồi vốn.
Một số tài số xe điện chia sẻ, xe điện khi chạy đường dài cần phải tính toán kỹ nếu không đủ lượng pin để chạy về nhà. Xe điện cũng gặp khó khăn trong việc chạy đường đồi núi. Bên cạnh đó, một số tài số cho biết xe điện phải mất thời gian để xạc pin, trạm sạc hạn chế, ngày nắng nóng xe dễ bị nóng động cơ dẫn đến xuất hiện lỗi về pin và điều hoà.
Cần có chính sách ưu đãi cụ thể
Ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiệp hội đã quan tâm đến việc chuyển đổi sang xe điện từ nhiều năm nay, đặc biệt sau COP 26 khi Chính phủ cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Hiệp hội cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải về Quyết định 876, yêu cầu từ năm 2031 các phương tiện taxi mua mới đều phải dùng nhiên liệu sạch.
Theo ông Hồ Quang Hiếu, lựa chọn xe điện kinh doanh là phù hợp với hướng đi của Chính phủ cũng như xu thế chung của thế giới. Việc giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường cũng là ưu tiên hàng đầu của công ty.
Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp vận tải đều mong muốn Chính phủ sẽ có những ưu đãi, chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện để thúc đẩy chuyển đổi và tăng số lượng xe bán ra, từ đó giảm giá bán xe điện và giúp giảm cước taxi điện cũng như rút ngắn thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, họ sẽ quan tâm về mặt tài chính có lợi hay không. Nhưng phía Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết giảm phát thải khí CO2.
Do đó, theo ông Đàm Hoàng Phúc, bài toán chính sách đưa ra cần đảm bảo được sự cân bằng hài hoà giữa hai vấn đề này, Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.
Các doanh nghiệp nhỏ muốn chuyển đổi phương tiện xanh thì làm thế nào để huy động được vốn "xanh", có thể tiếp cận được nguồn vốn để ngày càng có nhiều doanh nghiệp tiên phong chuyển sang kinh doanh xe điện.
Ông Đàm Hoàng Phúc cho biết, cần có chính sách phát triển trạm sạc, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện.
Đồng thời, cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để có căn cứ chứng minh lợi ích của việc chuyển đổi phương tiện đối với xã hội. Từ đó mới có cơ sở thuyết phục Chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, cần chú trọng xây dựng kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng, cải tiến công nghệ, và đầu tư hạ tầng trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.
Ngoài ra, việc chuyển đổi sang xe điện đòi hỏi lộ trình chiến lược dài hạn cũng như chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện trên quy mô lớn.