Cơ hội xuất khẩu dứa sang thị trường châu Âu
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Âu (Vương quốc Anh, CHLB Đức, Hà Lan, Thuỵ Sỹ) và Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm dứa sang thị trường Châu Âu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang khu vực thị trường khó tính này.
Ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết những năm gần đây, Thụy Sỹ có nhập khẩu một số sản phẩm dứa từ Việt Nam nhưng số lượng và kim ngạch còn rất thấp so với nhiều thị trường châu Á khác cung cấp cho Thụy Sỹ như Thái Lan, Indonesia…
Các sản phẩm dứa của Việt Nam chủ yếu được bán tại các cửa hàng của người Châu Á, người Việt, chưa được phân phối qua các kênh siêu thị lớn và mức tăng trưởng nhập khẩu hàng năm vào Thụy Sỹ không ổn định.
Nhìn chung, do thị trường các sản phẩm dứa ở Thụy Sỹ có dung lượng nhỏ, nhu cầu đã bão hòa, mức độ cạnh tranh cao nhưng ông Nguyễn Đức Thương cho rằng vẫn có một số cơ hội thị trường ngách cho các sản phẩm dứa đóng hộp, nước dứa ép của Việt Nam.
Đối với dứa tươi, để thâm nhập được thị trường Thụy Sỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với nhà nhập khẩu Thụy Sỹ ngay từ khâu gieo trồng, tránh cạnh tranh trực tiếp với các nhà nhập khẩu khác trong cùng kênh, khi có đơn hàng cần đảm bảo ổn định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Đối với thị trường Đức, ông Bùi Vương Anh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá các doanh nghiệp có thể tận dụng những ưu đãi thuế của EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dứa sang thị trường này.
Tuy nhiên, ông Bùi Vương Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm chất lượng sản phẩm vì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu tại thị trường Đức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm tìm cách giảm các chi phí vận tải logistics đối với sản phẩm để tăng tính khả thi đối với việc cung cấp các sản phẩm dứa cho thị trường Đức.
Đối với thị trường Vương quốc Anh, bà Hoàng Lê Hằng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, các hình thức tiêu thụ dứa ở thị trường này rất phong phú, bao gồm dứa tươi, nước dứa ép, các sản phẩm dứa sấy khô, mứt dứa, snack dứa, dứa nguyên liệu làm bánh kẹo…
Năm 2021, Anh là nước nhập khẩu dứa lớn thứ 10 trên thế giới và thứ 6 châu Âu (sau Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italia) với 119,6 triệu tấn, trị giá 78,2 triệu USD. Nhu cầu các sản phẩm dứa của thị trường này khá ổn định, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Costa Rica (chiếm 80% thị phần), Brazil, Philippines, Thái Lan… Dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường dứa tươi tại Anh là 3,2% trong giai đoạn 2022-2027, tiêu thụ nước ép dứa bình quân 0,43 lít/người trong năm 2021.
Theo đánh giá của bà Hoàng Lê Hằng, Anh là thị trường tiềm năng tốt cho việc xuất khẩu các sản phẩm dứa. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh ưa chuộng các loại quả nhiệt đới có lợi cho sức khoẻ như dứa, đặc biệt những sản phẩm organic, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép…
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận để bán sản phẩm dứa thông qua các công ty thương mại, hoặc trực tiếp cho các siêu thị, tập đoàn bán lẻ tại Anh. Việc tham gia các sự kiện hội chợ triển lãm, thực hành digital marketing với thị trường Anh cũng là những kênh tiếp thị hiệu quả cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dứa của Việt Nam vào Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, thời gian qua, Thương vụ đã nỗ lực trong việc vận động một doanh nhân gốc Hồng Kông xây dựng nhà máy chế biến dứa tại tỉnh Hậu Giang. Ông Cường hy vọng nhà máy sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay và trái dứa các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang sẽ có cơ hội cung cấp cho nhà máy này.
Tại phiên tư vấn, bà Inge Ribbens, Chuyên gia Bộ phận Quốc tế, Hiệp hội Xúc tiến xuất nhập khẩu hoa quả tươi Hà Lan cho biết, Hà Lan là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng trái cây ra, vào thị trường Châu Âu. Năm 2021, Hà Lan nhập khẩu trên 250 nghìn tấn dứa các loại và là nước có kim ngạch nhập khẩu dứa nhiều nhất trong Châu Âu. Hà Lan nhập khẩu dứa chủ yếu từ Costa Rica, Ecuador, Cote D’Ivoire và một số lượng nhỏ từ các thị trường Châu Á như Thái Lan, Sri Lanka, Philippines...
Để các sản phẩm dứa Việt Nam thâm nhập và phát triển tại thị trường Hà Lan, bà Inge Ribbens khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ và thực hành tốt các quy định chung của EU về tiêu chuẩn chất lượng, chính sách kiểm dịch, quy định về an toàn thực phẩm và tính bền vững liên quan đến sản phẩm (như hạn chế sử dụng bao bì hoặc sử dụng bao bì thay thế thân thiện với môi trường…), cùng với những yêu cầu, quy định riêng của từng hệ thống phân phối như các vấn đề về trách nhiệm xã hội.
Bà Inge Ribbens đã gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét tham dự các hội chợ chuyên ngành lớn liên quan tới trái cây trên thế giới như: Fruit Attraction Madrid, SIAL Paris, Fruit Logistica Bangkok, Gulfood Dubai…, để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và tiếp cận trực tiếp các nhà nhập khẩu châu Âu tiềm năng.