Có nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?
Sẽ xử phạt doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy bắt buộc không đúng giá Để bảo hiểm xe máy phát huy được lợi ích Bảo hiểm xe máy: Giảm thủ tục để phát huy lợi ích |
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới được đánh giá không phù hợp với thực tế |
Hiệu quả không như kỳ vọng
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988, đến nay đã 36 năm. Bộ Tài chính cho biết, số liệu do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy là 431,787 tỉ đồng. Trong đó, đã chi bồi thường 41,9 tỉ đồng; dự phòng bồi thường hơn 35,8 tỉ đồng. Các khoản trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến khẳng định, loại hình bảo hiểm này có tỷ lệ bồi thường quá thấp. Một chuyên gia dẫn chứng, tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới nửa đầu năm nay là gần 10%, thấp hơn nhiều so với mức bồi thường của năm ngoái và so với tỷ lệ bồi thường 35-50% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. Số tiền chi trả ít ỏi chiếm chưa đến 10% thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 431,787 tỉ đồng. Nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy đã không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Thực tế, bảo hiểm xe máy hiện nay chỉ mang tính hình thức, nuôi sống đơn vị bảo hiểm, không thiết thực, thậm chí còn gây phiền hà cho người dân. Anh Nguyễn Thanh Bình (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, anh từng xảy ra vụ va chạm xe máy trên đường cần đến sự hỗ trợ từ bảo hiểm. Tuy nhiên, khi được tư vấn thực hiện thủ tục bảo hiểm, anh được biết chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn,... Và còn nhiều thủ tục bồi thường quá phức tạp, khó khăn khác. Do đó, anh đã tự bỏ tiền túi đền bù tiền thuốc thang cho nạn nhân và sửa chữa phương tiện, thay vì chờ bảo hiểm để đỡ mất thời gian.
Thậm chí, chị Khánh Linh (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) còn cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy giờ giống như "tấm vé" đi đường vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt, còn khi mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng. Tính nhân văn đặt ra ban đầu của bảo hiểm này là “tấm lá chắn” hữu hiệu sau tay lái gần như không còn ý nghĩa với chị vì hiệu quả bồi thường không cao, thủ tục rườm rà. Chưa kể có những đơn vị bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy không có trách nhiệm trong việc giải quyết quyền lợi cho người dân và có dấu hiệu chậm trễ, nhiêu khê.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới giống như "tấm vé" đi đường vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt |
Bảo đảm quyền lợi, tránh lãng phí cho người dân
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) mức bồi thường bảo hiểm này hiện rất nhỏ, không theo kịp sự biến đổi về giá cả; thời hạn quy định 1 năm là quá ngắn; thủ tục để nhận được bảo hiểm quá phức tạp, rất rườm rà... Những điều này khiến loại hình bảo hiểm này không phù hợp với thực tế.
Khi bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy đã không phát huy được hiệu quả thì việc cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật cho sát với thực tế xã hội đang là một yêu cầu cấp thiết. Tránh việc quy định cho có, nhưng không thực chất, dẫn đến khó khăn, tốn kém cho người dân, gây lãng phí trong xã hội trong thời gian dài.
Trước đó đại diện Bộ Tài chính khẳng định, số lượng tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân. Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp ít (55.000 đồng/năm), nhưng số tiền hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy. Khi chi trả, chỉ trường hợp chết người mới cần hồ sơ công an gửi sang, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ hai bên thiết lập bằng điện tử. Hơn nữa Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Trước những ý kiến phản ánh người dân tham gia được hưởng lợi rất ít từ bảo hiểm xe máy, mô tô Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2024, sẽ thanh tra việc triển khai bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy đối với 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc bảo hiểm xe máy bấy lâu nay chưa phát huy tác dụng là do còn thiếu và yếu trong công tác quản lý, còn nhiều bất cập trong các thủ tục chi trả khiến người dân mất lòng tin. Nhưng rõ ràng, xe máy là phương tiện lưu thông chính của người Việt cũng là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại nước ta. Vì vậy, việc bắt buộc mua bảo hiểm sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm thiểu rủi ro và trách nhiệm tài chính đối với các bên liên quan nếu không may xảy ra tai nạn. Quy định bắt buộc phải có bảo hiểm xe máy không mới nhưng những bổ sung mới trong quy định về cập nhật hệ thống dữ liệu, tra cứu thông tin, thủ tục xử lý theo hướng chặt chẽ, giảm bớt phiền hà sẽ có tác động lớn, làm thay đổi mảng bảo hiểm xe máy theo hướng liên thông, minh bạch. Từ đó phát huy tính nhân văn, nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc, chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan khẳng định.
Cùng chung nhận định này, một chuyên gia đề xuất, thay vì suy tính giữ hay bỏ thì cần phải xem xét tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm và đơn giản hóa hồ sơ thủ tục bồi thường. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác. Bên cạnh đó, cần thanh kiểm tra và quản lý chặt chẽ hoạt động chi trả đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.