Có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng?
Nguồn cung xăng dầu đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng [Infographic] Giá xăng dầu giảm trong kỳ điều hành ngày 8/8 |
Hiện tại, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng khoáng là 10%, xăng sinh học E5 là 8% và E10 là 7%; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít. Theo VCCI, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng là bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ sắc thuế này với nhiên liệu trong nước; trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Khuyến khích người dân tiêu dùng các loại xăng thân thiện môi trường |
Liên quan tới dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang xuất hiện 2 luồng ý kiến. Phía ủng hộ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu sắc thuế này ra khỏi đối tượng đánh thuế. Đơn cử, xăng E5, E10 là loại nhiên liệu có hàm lượng 5%, 10% cồn sinh học, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể không còn phù hợp vì mục đích của loại thuế này là định hướng tiêu dùng.
Tuy nhiên một số ý kiến chuyên gia còn băn khoăn vì cho rằng bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội, mặt khác nó cũng góp phần tăng thu cho ngân sách, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa chịu thuế. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nộp nhưng người tiêu dùng chịu thuế. Do xăng là mặt hàng thiết yếu nhưng xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch không khuyến khích tiêu dùng nên không thuộc đối tượng đề nghị loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sắc thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng không phải là đánh vào hàng xa xỉ, cũng không phải đánh vào mục đích bảo vệ môi trường, mà chỉ đánh thuế nhằm tiết kiệm dùng xăng. Vì đánh thuế này để tiết kiệm tiêu dùng nên được áp dụng mức thuế thấp nhất trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. “Tiêu dùng xăng có nguồn gốc hóa thạch được nhiều quốc gia trên thế giới đề nghị sử dụng tiết kiệm nên có nhiều sắc thuế đánh vào xả thải. Với mức giá xăng hiện nay, Việt Nam vẫn nằm ở nửa thấp hơn trung bình của thế giới. Vì vậy, trước những luồng quan điểm khác nhau, ban soạn thảo cũng nên nhìn nhận một cách thận trọng”, ông Thịnh lưu ý.
Không đồng tình với quan điểm bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính cho rằng, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Còn xăng khoáng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, do đó cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này. Tại công văn xin ý kiến thẩm định về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cho biết, để khuyến khích người dân tiêu dùng các loại xăng thân thiện môi trường, Luật quy định thuế suất đối với xăng sinh học (mức thuế suất 8% đối với xăng E5 và 7% đối với xăng E10) thấp hơn mức thuế suất áp dụng đối với xăng khoáng (thuế suất 10%).
Bên cạnh đó, để khuyến khích sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã quy định giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đổi với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống.
Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt đã cùng với các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng tạo nên một hệ thống chính sách thuế gián thu tương đối đồng bộ để áp dụng có hiệu quả vào việc điều tiết hàng hóa, dịch vụ, vừa tạo thành nguồn thu ổn định cho ngân sách, vừa thể hiện được vai trò của hệ thống thuế gián thu nói riêng và hệ thống thuế nói chung, là một trong những công cụ ổn định kinh tế vĩ mô.