Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường?
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chỉ ra, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất, do đó không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Trong khi theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020. Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể. Mức tiêu thụ này thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới song họ cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.
Như tại châu Âu, báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019 cho thấy mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/người, tức là gấp gần 4,8 lần so với Việt Nam. Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ nước giải khát trên 100 lít/người/năm chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát.
Ngay tại Châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc có mức tiêu thụ lần lượt là 169,28 lít/người/năm và 96,51 lít/người/năm (theo số liệu dự báo của Statis năm 2023) nhưng đều không áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Đáng nói là Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%.
Thậm chí, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nước đã áp dụng thế TTĐB cho nước giải khát, song chỉ có sản lượng nước giải khát giảm còn nguy cơ béo phì không giảm thậm chí vẫn tăng mạnh. Bà Nguyễn Việt Hà đến từ Amcham dẫn chứng như Ấn Độ áp dụng từ năm 2017, tuy nhiên tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam giới tăng từ 20,5% (giai đoạn 2015-2016) lên 24% (giai đoạn 2019-2021)... Thái lan áp dụng 2017, sau 2 năm, tiêu thụ giảm không đáng kể (-2,5%) nhưng tỷ lệ béo phì tăng từ 28,7% lên 33%.
Nhiều quốc giá đã áp dụng thuế TTĐB cho nước giải khát song không thành công thực hiện mục tiêu giảm béo phì, thậm chí làm ảnh hưởng về hiệu quả kinh tế nên đã phải bỏ sắc thế này như Đan Mạch bỏ hoàn toàn thuế từ 1/1/2014 khi tác động của thuế làm giảm 5000 việc làm. Ngay cả Na Uy áp dụng từ năm 1981 cũng đã bỏ thuế này vào 1/7/2021.
Hơn thế, các chuyên gia và đại diện DN chỉ ra, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng sâu rộng từ dịch bệnh Covid và các tác động kinh tế quốc tế vừa qua, chính sách này nếu triển khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các DN trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, DN cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh.
Bà Chu Thị Lan cho biết kể từ khi đại dịch Covid, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối DN nhỏ và vừa, nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ và nỗ lực của mỗi DN, nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80% và các DN trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu gia tăng và sự đứt gãy cung cầu với biến động khó lường và tăng giá của nguyên vật liệu và nhiên liệu.
Bên cạnh đó, các DN cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới như trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải… theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Ở khía cạnh khác, việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ DN và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chỉ ra, nguyên nhân bệnh thừa cần, béo phì có nhiều rất từ mỡ, các chất béo... Đường chỉ là nguyên nhân nhỏ. Và có rất nhiều sản phẩm có chứa đường .
"Vậy tạo sao không áp thuế TTĐB với tất cả các mặt hàng gây béo phì mà chỉ áp dụng với nước giải khát có đường?" ông đặt câu hòi và cho rằng điều này là không công bằng khi ngành đang cạnh tranh rất khốc liệt.
Hơn thế, ông chỉ ra khi áp dụng thuế suất 10% với sản phẩm nước giải khát có đường, có thể dẫn tới giá thành sản xuất tăng như vậy sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nước giải khát có đường của người nghèo và những người cần đường.
Ông cũng cho biết ngành nước giải pháp là ngành đặc thù nhạy cảm về giá. Như Tân Hiệp Phát đầu tư hơn 300 triệu USD cho các dây truyền sản xuất trên cả nước, vì vậy nếu áp dụng ngay thuế TTĐB 10% thì DN sẽ gặp khó khăn khi các kế hoạch sản xuất, phân phối không kịp thay đổi, điều chỉnh. Điều này không chỉ ảnh hướng tới DN mà còn ảnh hưởng tới hơn 70 ngàn nhà phân phối, hàng triệu người lao động trong hệ sinh thái sản xuất của công ty từ người trồng trà, đầu mối thu gom, vận chuyển...
Và khi các DN sản lượng kinh doanh giảm, nhà nước có thể thu được thuế TTĐB tăng trong năm đầu, song sẽ dần giảm xuống khi sản lượng DN giảm. Chưa kể khi doanh thu giảm thì các loại thuế thu trên doanh thu của DN cũng giảm và thuế thu nhập DN giảm.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) nhấn mạnh đến thời điểm ban hành sắc thuế và lộ trình áp dụng phải phù hợp với bối cảnh nền kinh tế và DN, nếu không sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi, đặc biệt, trong bối cảnh DN đang khó khăn hiện nay.
Các chuyên gia cũng chỉ ra để giảm nguy cơ béo phì, áp thuế không phải là biện pháp duy nhất, mà còn cần các chính sách, biện pháp tuyên truyền giúp người dân hiểu về tác hại béo phì, đưa các chương trình giáo dục thể chất, thể thao vào các chương trình bắt buộc trong nhà trường và DN. Thành công của Nhật Bản là một minh chứng điển hình
Từ những phân tích này, các DN và hiệp hội đề xuất không áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng trong khi gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.