Co-opBank: Tăng cường năng lực tài chính, tạo đà hỗ trợ hệ thống QTDND
Bước chuyển từ sự chủ động
Năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi Co-opBank chuyển đổi mô hình, nguồn tiền gửi của hệ thống QTDND sụt giảm, thậm chí sụt giảm mạnh tới 32,06% so với cùng kỳ 2021, chỉ còn 24.309 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021. Tuy nhiên, với sự chủ động trong công tác mở rộng huy động vốn như: phát động đợt thi đua công tác huy động vốn trong toàn hệ thống; sử dụng công cụ vay tái cấp vốn của NHNN... tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank đến 31/12/2022 là 49.799 tỷ đồng tăng 1,33% so với 31/12/2022. Đặc biệt, tổng số dư CASA là 1.223,7 tỷ đồng, tăng 426,4 tỷ đồng so với cùng kỳ 31/12/2021 (tăng 53,4%), góp phần giúp Co-opBank giảm chi phí vốn, từ đó có thêm điều kiện hỗ trợ hệ thống QTDND, doanh nghiệp và người dân.
Co-opBank Mobile Banking ngày càng lan tỏa tới thành viên QTDND và khách hàng cá nhân |
Công tác mở rộng chất lượng song hành với việc kiểm soát rủi ro tín dụng thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quy trình cho vay và sau cho vay, nâng cao chất lượng hoạt động của từng chi nhánh. Co-opBank cũng tiếp tục gia tăng năng lực tài chính thông qua việc xử lý, thu hồi nợ xấu. Đến ngày 31/12/2022, dư nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 144 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 0,46% tổng dư nợ), trong đó dư nợ xấu nội bảng cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 113 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 0,44% dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân); Dư nợ xấu nội bảng QTDND là 31,5 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 0,56% dư nợ cho vay QTDND). Tỷ lệ nợ xấu theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống (không bao gồm nợ xử lý rủi ro) là 0,84%. Năm 2022, các chi nhánh thu hồi được 161 tỷ đồng nợ xấu. Đồng thời trích lập dự phòng rủi ro 211 tỷ đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm 2022.
Năm 2022, Co-opBank tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các sản phẩm ngân hàng hiện đại cung ứng cho hệ thống QTDND và nền kinh tế như kết nối thanh toán giao thông (Vinbus) cho thẻ chip Co-opBank Napas và kết nối thanh toán thẻ với BC Card (chiều ISS) cho phép thẻ chip Co-opBank Napas có thể giao dịch thanh toán tại Hàn Quốc; gia tăng thêm tiện ích cho Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking, nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank với nhiều tính năng và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Nâng cao năng lực tài chính là yêu cầu bức thiết
Năng lực tài chính và cung ứng dịch vụ không ngừng cải thiện và gia tăng là tiền đề năm 2022, Co-opBank tiếp tục thực hiện tốt hai vai, một là hỗ trợ hệ thống QTDND đảm bảo thanh khoản, mở rộng cho vay các thành viên; hai là trở thành NHTM nhà nước chung tay cùng ngành Ngân hàng và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tái sản xuất và mở rộng đầu tư trong bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19.
Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay của Co-opBank đạt 31.185 tỷ đồng, tăng 4.987 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 19,04%) so với 31/12/2021, trong đó: Dư nợ cho vay các QTDND là 5.590 tỷ đồng, tăng 60,57%; Dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 25.574 tỷ đồng, tăng 12,58%.
Mặt khác, Co-opBank vẫn tiếp tục triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp (tối thiểu 4,8%/năm) nhằm chia sẻ khó khăn với thành viên QTDND trong suốt 10 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, Co-opBank tiếp tục thực hiện chính sách điều hành lãi suất cho vay đối với QTDND thấp hơn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân tại mọi thời điểm.
Với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, bên cạnh việc đáp ứng cung ứng vốn, Co-opBank tiếp tục duy trì chương trình "Co-opBank đồng hành cùng khách hàng” nhằm giúp doanh nghiệp và cá nhân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, vượt qua khó khăn để khôi phục lại hoạt động kinh doanh với mức lãi suất cho vay thấp nhất là 5,0%/năm.
Hệ thống ngân hàng điện tử eBanking của Co-opBank được hoàn thành vào cuối năm 2022 thay thế cho hệ thống CF-eBank đã cơ bản đảm bảo đầy đủ chức năng của một hệ thống thanh toán hiện đại phục vụ cho toàn hệ thống và các QTDND. Hệ thống Ngân hàng điện tử của Co-opBank đã vươn mở ra toàn quốc với 761 điểm giao dịch, bao gồm 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch và 663 QTDND. Tổng doanh số giao dịch chuyển tiền đi qua hệ thống thanh toán Co-opBank năm 2022 là 399.819 tỷ đồng (tương đương) so với cùng kỳ năm trước; Giao dịch chuyển tiền đến là 334.959 tỷ đồng (giảm 15%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Co-opBank cũng đã miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền cho QTDND thành viên tham gia hệ thống ngân hàng điện tử; miễn phí các giao dịch trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking. Qua đó, đã giúp Co-opBank và các QTDND có nhiều cơ hội tiếp cận với các thành viên, khách hàng mới, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay một số cơ chế hỗ trợ hoạt động cho Co-opBank như: cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng, cơ chế hạch toán theo dõi riêng các khoản cho vay đối với các QTDND yếu kém không có khả năng phục hồi chưa được ban hành. Hệ thống QTDND trải rộng trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong khi mạng lưới Chi nhánh Co-opBank mới có tại 30 tỉnh, thành phố; vì vậy công tác điều hòa vốn và hỗ trợ hoạt động trực tiếp cho các QTDND còn gặp nhiều khó khăn. Co-opBank với vai trò là ngân hàng đầu mối hỗ trợ hoạt động cho gần 1.200 QTDND nhưng năng lực tài chính còn rất hạn chế, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ các QTDND thành viên, cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với hệ thống.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho Co-opBank thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, xuất phát từ tình hình chung của hệ thống, NHNN cần sớm ban hành cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay QTDND gặp khó khăn, có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động, không thu hồi được nợ. Ban hành cơ chế xử lý với các khoản cho vay các QTDND yếu kém còn tồn đọng trước đây. Đồng thời xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho Co-opBank nhằm tăng cường năng lực tài chính để thực hiện tốt hơn vai trò ngân hàng của các QTDND.
Hiện nay, việc đảm bảo thanh khoản, khả năng chi trả của hệ thống QTDND theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và các chỉ đạo của Thống đốc NHNN là vượt quá khả năng về nguồn vốn (tổng nguồn vốn của Co-opBank chỉ bằng 1/4 tổng nguồn vốn của hệ thống). Đặc biệt trong những thời điểm cuối năm, áp lực hỗ trợ hệ thống QTDND ổn định thanh khoản là vô cùng lớn. Do đó Co-opBank rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn trong những thời điểm thanh khoản chung của hệ thống QTDND gặp khó khăn và đề nghị NHNN xem xét cho Co-opBank được vay tái cấp vốn như một công cụ cần thiết và kịp thời nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.