Cổ phiếu cảng biển-cơ hội và thách thức đan xen
Cổ phiếu cảng biển: Dư địa lớn trong dài hạn Sức mạnh dòng tiền vào cổ phiếu cảng biển |
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích VCBS cho rằng, triển vọng ngành cảng biển dựa trên 4 yếu tố chính. Thứ nhất, những biến động địa -chính trị thế giới là là động lực thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các chuỗi cung ứng mới.
Thứ hai về công suất tàu và xu hướng sở hữu tàu. Trong năm 2024, công suất đội tàu toàn cầu tăng 11%, với phần lớn sự gia tăng đến từ các tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu, cũng như tuyến Mỹ-La tinh. Các hãng tàu đang chuyển hướng từ việc thuê tàu sang sở hữu tàu để kiểm soát tốt hơn lịch trình vận tải và chi phí nhiên liệu. Sự xuất hiện của các tàu siêu lớn như tàu "megamax" (sức chứa 23.000-24.000 TEU) đã tạo ra nhu cầu lớn hơn về các cảng có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn. Cảng Gemalink tại Cái Mép-Thị Vải là một trong số ít các cảng ở Việt Nam có thể xử lý những tàu này.
Thứ ba, trong bối cảnh nhu cầu thông qua cảng biển ngày càng tăng, Việt Nam đã và đang mở rộng công suất tại nhiều cảng lớn trên cả nước. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cảng.
Thứ tư, chính sách thuế quan và thay đổi trong các hiệp định thương mại cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngành cảng biển. Các quốc gia như Việt Nam và Mexico đang nổi lên như những trung tâm xuất khẩu mới, được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Ngoài ra, sự tan rã của liên minh 2M (giữa MSC và Maersk) sau năm 2025 sẽ tái cấu trúc mạng lưới vận tải biển toàn cầu, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng. Các thông tin mới nhất cho biết: MSC, hãng tàu lớn nhất thế giới đã ký hợp tác khai thác cảng Lạch Huyện 3-4 với PHP và có kế hoạch đầu tư vào cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Điều này cho thấy MSC đánh giá cao vị trí chiến lược của Việt Nam trong bản đồ vận tải biển toàn cầu.
Trên cơ sở đó, các phân tích của VCBS cũng lựa chọn 3 cổ phiếu tiêu biểu trong ngành cảng biển Việt Nam cần chú ý bao gồm: Gemadept (GMD), Cảng Hải Phòng (PHP) và Cảng Sài Gòn (SGP). Với CTCP Gemadept (GMD), năm 2024, doanh thu thuần của GMD dự kiến đạt 4.177 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước. Mảng cảng biển, đặc biệt là cảng Gemalink, là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Công ty cũng đang chuẩn bị mở rộng cảng Gemalink giai đoạn 2A và cảng Nam Đình Vũ. Tuy nhiên, những rủi ro của GDM đến từ tình trạng thừa công suất và biến động giá cước vận tải có thể ảnh hưởng đến doanh thu của GMD.
Với CTCP Cảng Hải Phòng (PHP), công ty dự kiến đạt doanh thu thuần đạt 2.354 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 9,2% so với năm trước nhờ vào hợp tác với MSC trong khai thác cảng Lạch Huyện 3-4. Việc mở rộng công suất và hợp tác với MSC là những yếu tố quan trọng giúp HPH tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào MSC là rủi ro lớn nhất của PHP. Nếu MSC thay đổi chiến lược hoặc dịch chuyển sang cảng khác, sản lượng của PHP sẽ bị ảnh hưởng.
Với CTCP Cảng Sài Gòn (SGP), đơn vị này dự kiến đạt 1.050 tỷ đồng doanh thu vào năm 2024, tăng 11,4% yoy. SGP cũng đang tập trung vào dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, một dự án chiến lược quan trọng. Khi cảng Cần Giờ đi vào hoạt động vào năm 2027, SGP sẽ trở thành một trong những cảng lớn nhất khu vực miền Nam, sẽ giúp tăng trưởng mạnh về sản lượng và doanh thu. Rủi ro của cổ phiếu này là Dự án cảng Cần Giờ có thể bị trì hoãn, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của SGP trong tương lai…