Cổ phiếu cảng biển: Dư địa lớn trong dài hạn
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 350,74 tỷ USD, tăng 7,1%, tương ứng tăng gần 23,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cảng biển vẫn là một lựa chọn chủ lực trong vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu.
Sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 10 tháng năm 2016 đạt 387,6 triệu tấn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015, hàng container đạt 12,6 triệu TEUs ghi nhận mức tăng 17%. Riêng Hải Phòng, ước tính 11 tháng năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng toàn thành phố đạt 71,03 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015.
Các DN khai thác dịch vụ cảng biển phía Nam hoạt động ổn định, thậm chí duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Dự báo của các CTCK cho thấy trong năm 2017, tại khu vực TP.HCM – Vũng Tàu, sự sáp nhập của các hãng tàu quốc tế sẽ làm gia tăng sản lượng hàng hóa tại khu vực Cái Mép Thị Vải.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó các DN khai thác dịch vụ cảng biển, kho vận phía Bắc, đặc biệt là khu vực Hải Phòng đối mặt với không ít sóng gió trong năm 2016. Khoản lợi nhuận đột biến từ hàng lạnh tạm nhập tái xuất không còn do Trung Quốc đã thay đổi chính sách cho phép hàng hóa được đi trực tiếp từ nước thứ ba qua Hong Kong đến các cảng thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây thay vì phải đi qua Hải Phòng lên biên giới.
Biên mậu thông suốt cả năm, không còn tình trạng tắc nghẽn cũng khiến nhu cầu lưu kho bãi của container lạnh sang Trung Quốc giảm sút. Lũy kế 9 tháng năm 2016, sản lượng container lạnh giảm trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn tới kết quả kinh doanh khối cảng tại Hải Phòng kém khả quan hơn cùng kỳ. Lợi nhuận GMD, PHP, VSC, DVP, HAH, DXP đều có xu hướng sụt giảm.
Ví như VSC, VCBS hạ mức dự báo doanh thu năm 2016 còn 1.092,2 tỷ đồng, dù tăng 17,7% nhưng lợi nhuận dự phòng giảm 14% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 240,3 tỷ đồng. GMD cũng được dự báo doanh thu thuần đạt 2.706 tỷ đồng, chỉ đạt 73,1% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 284 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Dù mức tăng trưởng và lợi nhuận của các DN cảng biển khu vực Hải Phòng không như kỳ vọng, song đây vẫn là nhóm cổ phiếu có lợi tức cao và được các chuyên gia điểm vào nhóm các cổ phiếu có thể tích luỹ cho dài hạn. Điểm tựa cho phân tích này chính là dòng vốn FDI tiếp tục đầu tư vào Việt Nam làm gia tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển trên cả nước.
Các tập đoàn lớn nước ngoài như Samsung, Bridgestones, LG, Foxconn, Ohsung tiếp tục xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất về Việt Nam nhằm đón đầu các hiệp định FTAs. Riêng Hải Phòng năm 2016 cũng đã nổi lên là địa phương có số vốn FDI đăng ký lớn nhất với 2,464 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đáng chú ý nhất là dự án LG Display (Hàn Quốc) với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Tuy nhiên, theo dự báo của VCBS, tốc độ tăng trưởng các cảng dự báo sẽ phân hóa trong năm 2017 nhưng mức độ cạnh tranh giữa các cảng chưa gay gắt. Bởi, hiện tại khu vực Hải Phòng chỉ có 4 cảng chưa đạt công suất tối đa là cảng Tân Vũ và cảng Chùa Vẽ trực thuộc cảng Hải Phòng, cảng Nam Hải Đình Vũ (GMD) và cảng Vip Green (VSC). Cảng Vip Green mới vận hành từ cuối 2015 do đó dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn, trong khi cảng Nam Hải Đình Vũ mở rộng công suất nhờ việc Nam Hải Logisitics đi vào hoạt động.
Xu hướng tăng kích thước tàu có thể làm các cảng phía thượng nguồn sông Cấm (gồm cả Chùa Vẽ) sẽ không tăng được sản lượng, nhất là khi cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào cuối 2017. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 10%, dự kiến cung – cầu sẽ đạt mức cân bằng khoảng 4,7 triệu TEUs vào năm 2017.
Tuy nhiên từ 2018, mức cạnh tranh sẽ mạnh lên bởi nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất hàng container là 1,1 triệu TEUs. Cùng với 2 cầu bến container đầu tiên có tổng công suất 600.000 TEUs của cảng Nam Hải Đình Vũ (GMD sở hữu 60%) dự kiến hoàn thành vào cuối 2017.
Nhìn vào tương lai xa hơn, theo quy hoạch cảng biển 2020 - 2030, sản lượng container qua cảng tại Hải Phòng dự báo tăng khoảng 10% mỗi năm. Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa qua Hải Phòng năm 2020 dự báo sẽ đạt 109 - 114 triệu tấn/năm, trong đó hàng container khoảng 5,84 - 6,2 triệu TEUs/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình CAGR khoảng 9% - 10,3%.
Trên bức tranh phát triển hệ thống cảng biển đó càng thấy rõ những lợi thế riêng có của các DN trong ngành. BVSC kỳ vọng tiềm năng sẽ còn phát huy cao hơn nếu GMD khai thông được “dòng máu đông” từ các khoản đầu tư ngoài ngành. Việc hoán đổi trái phiếu chuyển đổi (40 triệu USD) năm 2017 sẽ tiết giảm khoảng 50 tỷ đồng chi phí lãi vay hàng năm cho GMD nhưng đồng nghĩa rủi ro pha loãng của cổ đông hiện hữu sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn.
Với DVP, đã đạt tối đa công suất nên dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định và tiếp tục chi trả mức cổ tức cao. Còn LNG, kỳ vọng việc tăng tỷ lệ lấp đầy của Me Kong Logisitics, DC 3, DC Hải Dương và mở rộng công suất tại cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong năm tới.