Cổ phiếu ngân hàng: Chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư
Ngân hàng và đầu tư công - hai nhóm cổ phiếu có triển vọng hấp dẫn Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, VN-Index đóng cửa tăng 1,77 điểm |
Đánh giá về bức tranh kết quả kinh doanh của ngân hàng trong nửa đầu năm 2023, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội (MBS) cho biết, tổng thu nhập hoạt động của các NHTM tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 8% và thu nhập ngoài lãi giảm 10,1%. Chi phí trích lập dự phòng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm NHTMCP Nhà nước giảm 18% và nhóm NHTMCP tư nhân tăng 26,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của các NHTM giảm 2,9%, tuy nhiên NHTMCP Nhà nước ghi nhận kết quả khả quan hơn với mức tăng trưởng 18,5% trong nửa đầu năm, trong khi lợi nhuận nhóm các ngân hàng tư nhân suy giảm 11,7%.
Các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng, tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực như: xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khoá như giảm thuế VAT từ 10% về 8%... cũng sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ngày 10/7, NHNN đã điều chỉnh nới room tín dụng cho các NHTM...
Tuy nhiên, theo bà Hiền, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm. Một số NHTM đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay do phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Cũng theo khảo sát gần đây của NHNN, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các TCTD nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, các TCTD có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng.
Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng, chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành Ngân hàng. Chất lượng tài sản của các ngân hàng là điểm đáng lưu ý từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay (NPL) toàn ngành tại cuối quý II/2023 đạt 2,1%, tăng lần lượt 40 và 70 điểm cơ bản so với quý I/2023 và cuối năm 2022. Đây là mức NPL cao nhất kể từ quý I/2022.
“Hầu như tất cả các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ NPL tăng tại cuối quý II/2023 so với đầu năm”, đại diện MBS cho hay. Đồng thời, nợ xấu nhóm 2 toàn ngành tăng 0,9% so với cuối năm 2022, lên mức 2,5% tại cuối quý II/2023. Thông tư 02/2023-TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thực hiện đến hết tháng 6/2024 được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, vì vậy một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 sẽ tiếp tục trong các quý tới.
Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm đáng kể từ quý IV/2022. Lợi nhuận giảm đã hạn chế dư địa trích lập dự phòng.
Cũng theo đại diện MBS, mặc dù chất lượng tài sản toàn ngành đang suy giảm, nhưng có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng dựa trên khẩu vị kinh doanh.
Hiện BID, ACB và TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam) là những cổ phiếu được giới phân tích ưa thích.