Cổ phiếu ngành bia có còn hấp dẫn nhà đầu tư?
Ảnh minh họa |
Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với nhiều biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia, bao gồm: cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi; và cấm lái xe sau khi uống rượu bia… chắc chắn sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các thương hiệu hàng đầu của thị trường như: Sabeco; Heineken, hay những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng.
Các khảo sát gần đây cho thấy, cổ phiếu ngành bia giảm 12,6% trong năm 2019, nguyên nhân chủ yếu là do SAB giảm 14,3%. Phân tích lý do chính cho sự “kém khả quan để đầu tư” của ngành bia, cụ thể với SAB, một số CTCK cho rằng, mặc dù công ty đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng đáng khích lệ là 23% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng 2019 nhờ chương trình tái cấu trúc hiệu quả của ThaiBev, nhưng giá cổ phiếu SAB vẫn không thể tăng theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Các nhà đầu tư tiếp tục tin rằng, định giá của SAB vẫn còn quá cao. Cổ phiếu đang giao dịch với mức PE là 30 lần so với mức trung bình ngành là 26 lần.
Trong khi đó với BHN, Công ty này tiếp tục ghi nhận kết quả đáng thất vọng khi lợi nhuận ròng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng 2019. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại tăng 1,5%.
Phân tích những đặc điểm chính của ngành này, các chuyên gia cho rằng có hai xu hướng chính. Thứ nhất, sản lượng đã tăng trưởng cao hơn so với những năm gần đây. Cụ thể, sản lượng bia ở Việt Nam đạt 4,6 tỷ lít (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước) trong năm 2019. Con số này tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2 năm qua (5%-6%) do xu hướng người trẻ tuổi ở Việt Nam ra ngoài uống bia nhiều hơn để tìm kiếm trải nghiệm mới và và để giao lưu.
Theo khảo sát của Kantar, số hộ gia đình đồng ý rằng họ ăn uống ở ngoài nhiều hơn ở nhà so với trước đây tăng khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2019. Còn theo Nielsen, mức tiêu thụ bia theo giá trị tăng 9,9% so với cùng kỳ trong quý 3/2019, khả quan hơn so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác ở Việt Nam.
Thứ hai, các công ty tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần. Minh chứng là kết quả tái cấu trúc Sabeco, những thay đổi lớn để cái thiện doanh thu và giảm chi phí đã được thực hiện trong năm, và có tác động hiệu quả đến kết quả kinh doanh của SAB. Từ việc thay đổi thương hiệu, các chương trình quảng cáo và tích cực hỗ trợ cho các đại lý, SAB đã tăng 2% thị phần so với năm 2018. Bằng cách cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển, SAB đã cải thiện được lợi nhuận, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận ròng tăng từ 13% trong 9 tháng 2018 lên 14,4% trong 9 tháng 2019.
Trong 9 tháng 2019, tổng doanh thu của SAB đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (tăng 22,9%), hoàn thành 72,5% và 90,7% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cả năm. Cũng trong thời gian này, tổng doanh thu của BHN đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5%; lợi nhuận ròng đạt 474 tỷ đồng, giảm 7%.
Trong năm, cả SAB và BHN đều đã thay đổi thương hiệu sản phẩm và thực hiện các chương trình quảng cáo đa dạng để quảng bá thương hiệu. Theo ban lãnh đạo của hai công ty, SAB đã giành được thị phần, trong khi BHN tiếp tục mất thị phần cho SAB và Heineken.
Nhìn về năm 2020 và những năm tới, theo Euromonitor, sản lượng bia ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ tăng với CAGR lần lượt là 5,5% và 7%, trong đó các sản phẩm cao cấp nhập khẩu ước tính đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là 10,3%.
Tuy nhiên, theo SSI, do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. Dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% trong năm 2020.
Theo Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, SSI ước tính mức tiêu thụ đặc biệt có thể tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%. Tuy nhiên, hiện tại không có cuộc thảo luận nào liên quan đến ngày cụ thể mà quyết định có thể thực hiện trong tương lai gần. Đối với SAB, ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 lần lượt đạt 44,4 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2019) và 6,1 nghìn tỷ đồng (tăng 12%). Chính vì vậy, SSI khuyến cáo NĐT nên giữ quan điểm đầu tư trung lập với mã này do định giá cao.
“Mặc dù ước tính lợi nhuận ròng của SAB sẽ tăng 12% so với năm trước, cổ phiểu giao dịch với mức PE 2020 là 27 lần và EV/EBITDA là 16 lần. Tuy nhiên, mức này cao hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực là 24 lần đối với PE và 14 lần đối với EV/EBITDA”, SSI phân tích.
Với BHN, việc thoái vốn của BHN có thể sẽ được thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, SSI cho rằng không mong đợi mức định giá cao do hiệu quả hoạt động của BHN gần đây khá mờ nhạt và có khả năng Carlsberg sẽ là người mua lại mã cổ phiếu này.