Coi chuyển đổi xanh như “trái tim”
Cơ hội và thách thức chuyển đổi xanh Chuyển đổi xanh: Cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển bền vững |
Cùng chung một quyết tâm
Xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp. Đồng thời, trong nhiều cuộc đối thoại cả trong nước và quốc tế, Chính phủ kêu gọi các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ Việt Nam về tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu…
Quyết tâm này đã được các địa phương tích cực hưởng ứng bằng việc tập trung nhiều nguồn lực để triển khai. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận và mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn.
Tương tự, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa lên kế hoạch tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư vì tăng trưởng xanh TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/1 nhằm trao đổi, thảo luận giữa lãnh đạo thành phố với các nhà tài trợ nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng, các chuyên gia, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông tin về một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư xanh của thành phố. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp đề xuất, hiến kế giải pháp để thành phố đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững.
Một nhân tố chủ chốt khác của tăng trưởng xanh là doanh nghiệp cũng không đứng ngoài câu chuyện này. Là một trong số những ngành có mức độ ô nhiễm cao, nước thải rất khó xử lý, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đang quyết tâm triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững. Theo đó, Tập đoàn định hướng cho tất cả các công ty thành viên cần tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh với cơ cấu nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, tích cực ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Cần hành động đúng về tăng trưởng xanh
Dẫu có nhiều chuyển biến tích cực nhưng ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, do áp lực về chuyển đổi xanh trong khi thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường, nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về “lọc ngành” (ngành nào ô nhiễm là từ chối) thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, khu công nghiệp trong thu hút nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến thu hút đầu tư chung của cả nước.
Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho sản xuất xanh để góp phần thực thi tầm nhìn phát triển bền vững |
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, nhận thức từ phía doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng về tăng trưởng xanh, sản phẩm xanh còn hạn chế; việc đầu tư cho công nghệ xanh cần nguồn vốn rất lớn khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt trong đầu tư cho tăng trưởng xanh. Một thực tế nữa là một số ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhưng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân như dệt may, vật liệu xây dựng… lại đang chưa được tạo điều kiện tốt nhất để họ chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.
Để thực hiện tăng trưởng xanh một cách hiệu quả, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các địa phương cần có lộ trình phù hợp dựa trên điều kiện thực tiễn cũng như năng lực của mình. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành hoặc tích hợp các mục tiêu, nội dung triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn; chủ động xây dựng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động thực hiện, đề xuất các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng xanh, thu hút nguồn lực…
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng cần nhận thức về đầu tư tăng trưởng xanh giống như chăm chút cho “trái tim” phát triển của doanh nghiệp hiện nay và tương lai bằng việc mạnh dạn xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.