Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy…
Ảnh minh họa |
Hai năm đầu của bậc tiểu học, chữ viết của tôi rất xấu. Hồi đó rất ít khi tôi vượt được điểm 6 của hai môn tập viết và chính tả. Lên lớp 3 và lớp 4, lớp tôi được thầy Tường làm chủ nhiệm. Ngày đầu vào nhận lớp, thầy Tường yêu cầu mỗi người viết một bản tự nhận xét quá trình học tập của mình, trong đó có bốn nội dung chính gồm: chữ viết, ý thức bản thân, kết quả học tập và ước muốn trong học tập.
Với trình độ của các cô cậu lớp 3 như chúng tôi hồi đó, viết ra được những điều này hoàn toàn không dễ… Thầy Tường động viên: “Các em nghĩ sao viết vậy”. Lúc đầu tôi định viết rằng bản thân có ý thức học tập nhưng không hiểu vì sao chữ viết lại xấu thế này, nhưng rồi nghĩ đến câu chuyện mẹ kể về cậu bé vì nói dối mà về sau bị méo miệng, nên tôi đành viết ra những điều rất thật: “Chữ viết của em xấu, em lười học, kết quả học tập kém và mong muốn có một nét chữ đẹp và có kết quả học tập khá hơn…”.
Hai tuần sau ngày khai giảng, thầy Tường đến lớp với tâm trạng hồ hởi. Thầy bảo: “Thầy rất vui vì đã đọc được những suy nghĩ thật lòng của các em. Khi viết bản tự nhận xét về mình, các em đều viết thật và mong muốn tiến bộ. Bắt đầu từ hôm nay cả thầy cả trò chúng mình đều cố gắng nhé…”.
Cùng với việc học các chương trình ở lớp, chúng tôi phải gồng mình để trọn vẹn lời hứa với thầy buổi đầu năm về chữ viết và ý thức học tập ở nhà. Thầy chấm bài rất kỹ và nếu chúng tôi viết không đẹp, thầy yêu cầu viết lại cho đẹp mới thôi. Thầy đến từng gia đình động viên phụ huynh cùng phối hợp với thầy để học trò có điều kiện thực hiện.
Cuối mỗi tháng, thầy Tường thường dành một tiết cho chúng tôi viết lại tất cả những kiến thức mà chúng tôi đã thu nạp được trong tháng. Ai nhớ đến đâu, nhớ cái gì viết cái đó và viết rõ ràng sạch đẹp vào giấy để thầy cho điểm. Qua bản viết của mỗi người, thầy hiểu hơn quá trình học của chúng tôi.
Thầy Tường bảo chúng tôi cố gắng tập hợp những điều đó vào một quyển vở và cuối tháng cho thầy xem lại… Cuối tháng, thầy còn cho lớp bình chọn một người khó khăn nhất lớp, một người học giỏi nhất lớp để trao phần thưởng. Phần thưởng của thầy thường là một cuốn truyện thiếu nhi hoặc vài cuốn tập mà thầy mua từ đồng lương ít ỏi của mình…
Mọi khó khăn rồi cũng qua. Hết lớp 4, việc học của cả lớp đều tiến bộ, trong đó chữ viết đứa nào đứa nấy đều rõ ràng, sạch đẹp… Chia tay với thầy để lên các bậc học cao hơn, thầy dặn dò cả lớp: “Chữ viết là một phần tâm hồn, tính cách của các em. Phấn đấu học hành, trau dồi đạo đức thôi chưa đủ, các em cần viết cho thật đẹp. Ai viết chưa đẹp thì cứ luyện, luyện mãi ắt phải đẹp...”.
Ngày tôi vào đại học, thầy đến nhà cho tôi tiền để phụ mua vé tàu xe. Gần bốn mươi năm đã trôi qua, công ơn thầy Tường tôi vẫn ghi lòng tạc dạ. Mỗi khi tôi ngồi vào bàn để dạy hai con mình tập viết, lòng lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm tuổi học trò.
Mỗi lần các con xuýt xoa khen chữ ba đẹp, tôi lại hồi tưởng về những người thầy, người cô đã đi qua cuộc đời mình. Ngày xưa cha mẹ, ông bà luôn nhắc chúng tôi, nay đến lượt chúng tôi luôn nhắc nhở các con: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy…”, là công lao trời bể.