Cơn bão số 3 sẽ mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây
Bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa mưa bão Phó Thủ tướng chủ trì họp ứng phó siêu bão NORU đang tiến nhanh vào Biển Đông Miền Trung ứng phó siêu bão Noru |
Họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3). |
Chiều 5/9, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3).
Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.
Bão số 3 rất mạnh, hoàn lưu rộng
Ông Mai Văn Khiêm- Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 5/9, bão số 3 ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13 -14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13 -14.
Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển nước ta từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều đến đêm ngày 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Từ gần sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9 - 11.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ phổ biến 100-150 mm. Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9, trên khu vực phía Tây Bắc bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.
Theo ông Mai Văn Khiêm, cơn bão số 3 có nhiều yếu tố bất lợi tạo ra yếu tố cực đoan so với các cơn bão trong quá khứ.
Ứng phó với bão
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cơ quan thường trực ứng phó bão số 3 cho biết, 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người đã được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn.
Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề. Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh thông tin, phát huy tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”, tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Về tàu thuyền khách du lịch, đến 10h ngày 5/9, còn 154 khách trên các tuyến đảo, hiện đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh dự kiến cấm biển vào sáng mai (6/9).
Về các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, có 2.889 cơ sở với 3.000 lao động. Hôm nay đã đưa toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ em lên khu vực an toàn. Dự kiến hoàn thành việc đưa người còn lại lên bờ vào chiều 6/9.
Tại Hải Phòng, từ hôm qua (4/9), Hải Phòng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi thị sát các điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố bố trí sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ người dân. Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp đến kiểm tra 2 tuyến đê tại huyện Vĩnh Bảo. Đến chiều 5/9, Hải Phòng cam kết, hệ thống đê điều đủ sức chống chịu với bão. Thành phố đặc biệt quan tâm đến nhóm tàu thuyền ở đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có khoảng hơn 60 phương tiện ở xa bờ và đang di chuyển nhnah nhất có thể về nơi neo đậu an toàn.
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương, thông tin, tuyên truyền cho khách du lịch khẩn trương di chuyển về nơi an toàn. Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.319 tàu cá với gần 219.913 người. Trong đó, có 1.543 tàu với 10.045 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão số 3 khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.
Để phòng chống hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ví dụ, cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao. Không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.
Ngoài dự báo về bão, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.
Yếu tố nữa được Phó Thủ tướng nêu là sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan. “Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đồng tình với phương châm của Bộ NN-PTNT, về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.