Còn nhiều dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa
Phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Ngân hàng nhắm đến giới trẻ |
904,7 nghìn thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện là những chủ trương, chính sách lớn được Chính phủ, NHNN đặc biệt quan tâm. Thực tiễn triển khai tài chính toàn diện trên thế giới cũng chỉ ra rằng nâng cao khả năng tiếp cận tài chính ngân hàng thường song hành, gắn kết chặt chẽ với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được coi là một giải pháp quan trọng, tạo động lực cho các sự phát triển với dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng điều hành Hội thảo |
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thẻ ngân hàng được các TCTD quan tâm phát triển, trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng. Tính đến tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ (tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023) với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế; trong đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN trình bày tham luận tại Hội thảo |
Đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa; số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%); giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%). Từ những kết quả trên, có thể thấy mặc dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.
Hiện nay, chúng ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các TCTD có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, năm 2023, doanh số thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng hơn 234% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ông Minh, con số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa khi mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS phát biểu tại Hội thảo |
Theo Tổng Giám đốc NAPAS, dư địa để phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất lớn, khi tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình năm 20%,/năm. TS Đỗ Thị Hà Thương - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đánh giá, thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện, để giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa
Để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, trong thời gian tới, theo ông Lê Anh Dũng, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, nghiên cứu, phát triển thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, đảm bảo an toàn, bảo mật, kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi đối với khách hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán để thu hút khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Theo ông Dũng, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thị trường thẻ tín dụng nội địa; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội thảo |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, thẻ tín dụng có tiềm năng để phát triển khi người tiêu dùng nhìn thấy lợi ích khi sử dụng. Trong thời gian qua, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nghiên cứu, phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp; qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa. Đồng thời, triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.
Toàn cảnh Hội thảo |
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.