Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua trong lao động nữ
Năm 2021, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ các giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng là ngành đi đầu trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch với số tiền ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng. Đóng góp vào thành tích ấn tượng đó không thể không kể đến sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của đông đảo lực lượng lao động nữ - chiếm đến 60% trong tổng số lao động toàn Ngành.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm phát triển của Ngành, các thế hệ nữ cán bộ đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng. Điều này được thể hiện cả về số lượng và chất lượng cán bộ nữ qua từng thời kỳ (số cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong Ngành ngày càng nhiều hơn, chất lượng được nâng cao, trong đó có nhiều cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị trong Ngành và mới đây nhất, ngành Ngân hàng đã vinh dự tự hào có đồng chí Thống đốc đầu tiên là nữ).
Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong Ngành, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Để phát huy nguồn lực của cán bộ nữ trong Ngành, góp phần giúp cán bộ nữ vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội, cần xác định việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của ngành Ngân hàng. Để làm được điều này, đề nghị các cấp ủy Đảng, ban lãnh đạo chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện để lao động nữ có cơ hội phát triển. Cơ hội phát triển ở đây không chỉ là quy hoạch, bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí cao hơn, mà còn là tạo điều kiện để họ được phát huy năng lực, sở trường của mình để cống hiến cho tổ chức, đơn vị. Xóa bỏ những định kiến về giới khi phân công, giao việc.
Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đồng chí Đào Minh Tú, Công đoàn các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua trong lao động nữ, nhằm tạo ra những chương trình đi vào thực chất, có sức lan tỏa, mang lại lợi ích thiết thực cho lao động nữ; Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, lao động nữ, đặc biệt là ở những bộ phận lao động trực tiếp, thường xuyên phải tăng ca hoặc trực ngoài giờ. Động viên, tạo điều kiện để chị em vừa tròn bổn phận với gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn Ngành, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, tôi luôn xác định tất cả những hoạt động hướng tới phụ nữ, hướng tới phát triển nguồn nhân lực nữ toàn Ngành là một nội dung quan trọng và ưu tiên cho những hoạt động đó. Cùng với đó để hòa nhập và thích nghi trong thời đại công nghệ 4.0, chị em cần: Luôn tiến về phía trước và không ngừng học hỏi, vươn lên, chấp nhận thay đổi môi trường, điều kiện làm việc mới; đi trước - đón đầu cập nhật thông tin, trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức mới thích nghi với sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, chị em cần tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Phụ nữ ngành Ngân hàng ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị trên bất cứ cương vị công tác nào vẫn mãi mãi là ngọn lửa giữ ấm cho gia đình, bằng tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con cái trưởng thành.
Theo bà Nguyễn Khánh Chi, Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, thời gian tới, Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam triển khai phát động đợt thi đua sâu rộng trong nữ CBĐVNLĐ và các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng năm 2022 với các nội dung chủ yếu sau:
Hưởng ứng phát động thi đua của Thống đốc NHNN, Công đoàn các cấp động viên khích lệ toàn thể CBĐVNLĐ hăng hái thi đua khắc phục khó khăn, đặc biệt là phòng chống đại dịch Covid-19, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao của đơn vị và của Ngành. Công đoàn các cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với lao động nữ, công tác dân số, bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, trẻ em. Đẩy mạnh tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ và các chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói chung và lao động nữ nói riêng.
Đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, chú trọng khen thưởng cho đối tượng nữ đoàn viên, người lao động trực tiếp. Phấn đấu 85% trở lên nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà”. Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ theo thực tế triển khai tại đơn vị nhằm động viên, khích lệ nữ ĐVNLĐ thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid. Nghiên cứu xây dựng mô hình “Chăm lo sức khỏe và tinh thần cho lao động nữ và trẻ em trong bối cảnh hiện nay”, mô hình “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”...
Nghiên cứu đổi mới hình thức tổ chức các chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân các ngày kỷ niệm. Lựa chọn triển khai có hiệu quả công tác chăm lo đời sống của nữ CNVCLĐ như: hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con người lao động; lắp đặt và triển khai có hiệu quả phòng vắt trữ sữa mẹ, Quan tâm, hỗ trợ cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn... Phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở có ít nhất một hoạt động chăm lo cho đoàn viên, lao động nữ. Thúc đẩy thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, chú trọng thành lập Ban Nữ công quần chúng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp đạt 30% trở lên. Tăng cường phối hợp giữa Công đoàn và Hội LHPN cùng cấp. Tổ chức các hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII phù hợp với tình hình thực tiễn đơn vị. Tích cực hưởng ứng các phong trào do Hội LHPNVN phát động như: trồng cây xanh hưởng ứng chương trình “Văn phòng làm việc xanh” tạo môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp; nhắn tin ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”, phát động nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cả nước mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp, tập trung đồng loạt vào ngày 8/3/2022 nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài, khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Tiếp tục giới thiệu điển hình xét giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho phái nữ… “Đã thành truyền thống, hàng năm cứ vào dịp 8/3, cả thế giới lại hướng về những người phụ nữ, tri ân những hy sinh thầm lặng của họ dành cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay, tôi xin thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Ban Thường vụ Công đoàn NHVN gửi đến toàn thể nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động (CBĐVNLĐ) ngành Ngân hàng những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc chị em dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong tình yêu, thành công trong công việc và trọn vẹn trong cuộc sống. Tôi ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động, những đóng góp tích cực của Ban Nữ công và Công đoàn các cấp trong việc triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, Đảm việc nhà” trong toàn Ngành. Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm tích lũy những năm qua, kết hợp với nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động nữ công gắn với tình hình mới, phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, Đảm việc nhà” trong CNVCLĐ ngành Ngân hàng sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ngành Ngân hàng”. Bà Nguyễn Khánh Chi – Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng” “Phụ nữ ngành Ngân hàng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động và dù ở lĩnh vực nào chị em cũng thể hiện được vai trò, vị trí của mình và có đóng góp không nhỏ cho thành công chung của đơn vị và toàn Ngành. Năm 2022, tiếp tục được dự báo nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới. Trước tình hình đó, Ban nữ công các cấp cần quán triệt tinh thần thi đua toàn Ngành với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng”, tôi mong rằng trên mỗi cương vị công tác của mình, chị em sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tự tin, phấn đấu cho một năm mới vượt khó vươn lên, chung tay góp sức xây dựng đơn vị và ngành Ngân hàng ngày càng phát triển”. |