Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Tối ưu hóa sứ mệnh vì người lao động Ngành
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao thư cảm ơn Công đoàn Ngân hàng Việt Nam |
Nhìn lại thời điểm thành lập ngày 01/04/1993, có thể thấy Công đoàn NHVN ngày càng lớn mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Từ việc quản lý 53 công đoàn cơ sở (CĐCS) Ngân hàng tỉnh, thành phố; 06 CĐCS cơ quan Trung ương và Hội sở chính; 19 CĐCS gồm công đoàn các công ty, xí nghiệp, Trường Ngân hàng và 258 CĐCS trong toàn hệ thống. Đến nay, Công đoàn NHVN đang quản lý 9 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 998 công đoàn cơ sở (trong đó Công đoàn NHVN quản lý 84 CĐCS, với tổng số 1.006 CĐCS và hơn 185.000 đoàn viên, tăng gấp 04 lần so với những năm đầu mới thành lập.
Trải qua 7 kỳ đại hội, với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm và hiệu quả”, Công đoàn NHVN đã tìm được hướng đi đúng đắn, từng bước đổi mới phương pháp hoạt động để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Ngành, của đất nước và thực sự là một tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng đối với đoàn viên và người lao động ngành Ngân hàng. Đặc biệt, mô hình tổ chức, bộ máy Công đoàn NHVN và cơ cấu tổ chức, hình thức tổ chức của các tổ chức công đoàn trực thuộc phù hợp với cơ cấu bộ máy tổ chức của từng cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống NHVN từ trung ương đến cơ sở. Hoạt động công đoàn luôn đồng hành với nhiệm vụ chuyên môn, vận hành đồng bộ, nhịp nhàng, thông suốt khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong hệ thống Ngân hàng.
Các cấp công đoàn ngành Ngân hàng đã làm tốt vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vì quyền lợi người lao động. Đồng thời thường xuyên chăm lo xây dựng đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động phấn khởi, an tâm công tác lâu dài với ngành. Như hàng năm, công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động; Tổ chức các hoạt động xây nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên kịp thời, nhất là đoàn viên vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên mạnh mẽ, rộng khắp; công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức tốt các hoạt động “tháng công nhân”, “Tết sum vầy”, “Tết đoàn viên” cho người lao động; thăm hỏi, tặng quà động viên kịp thời đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, gặp rủi ro; thăm hỏi, tặng quà động viên con cán bộ, đoàn viên vượt khó học giỏi…
Công tác phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên được quan tâm, đoàn viên chiếm tỷ lệ cao trong CNVCLĐ; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn các cấp, đa số CĐCS và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt tốt, không có yếu kém, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra hàng năm.
Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn NHVN Đào Minh Tú cho biết: “Công đoàn NHVN thành lập hơn 30 năm, từ khi hoạt động ngân hàng còn đơn điệu cho đến nay với mô hình tổ chức lớn, đòi hỏi cần có một tổ chức công đoàn đủ sức làm tốt vai trò của nó”.
Hơn thế, ngân hàng là hoạt động ngành nghề có tính chất đặc thù. Hệ thống tổ chức ngân hàng Việt Nam được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất, gồm bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc khác trong hệ thống nhằm chỉ đạo, điều hành và giám sát chặt chẽ an toàn thống nhất từ đồng vốn đến cho vay, từ trung ương đến chi nhánh đến phòng giao dịch. “Vì vậy, để có thể vừa chăm lo bảo vệ người lao động, đồng thời gắn hoạt động công đoàn với hoạt động chuyên môn, nhiều năm qua Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN luôn bố trí một Phó Thống đốc tham gia hoạt động công đoàn giữ vai trò Chủ tịch Công đoàn NHVN. Đồng thời chỉ đạo công đoàn phải gắn hoạt động với chuyên môn và xem đây là một hoạt động trọng điểm để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành”, ông nhấn mạnh.
Với vai trò quan trọng là thế, tuy nhiên mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn NHVN còn chưa đồng bộ; chưa tập hợp được hết các đơn vị, lao động thuộc ngành tham gia sinh hoạt theo hệ thống Công đoàn NHVN; chưa tập trung thống nhất từ trung ương tới cơ sở.
Thống kê cho thấy hiện nay, ngành Ngân hàng còn 19 CĐCS, 121.237 đoàn viên/144.063 CNVCLĐ và 15 cán bộ công đoàn chuyên trách đang do các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quản lý chỉ đạo trực tiếp nên chỉ đạo điều hành hệ thống theo ngành dọc không có. Chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn từ trụ sở chính đến các chi nhánh, phòng giao dịch của các công đoàn ngân hàng do các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quản lý vẫn mang tính đơn lẻ, nên chưa nắm bắt kịp thời các chủ trương, định hướng chỉ đạo hoạt động chung của NHNN và Công đoàn NHVN về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; khó phát huy sức mạnh, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn khó phát triển… Đoàn viên, người lao động được tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do Công đoàn NHVN tổ chức còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc cho biết, không chỉ hoạt động theo chiều dọc, những năm gần đây Công đoàn NHVN còn phân công cho các CĐCS NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố là đại diện Công đoàn NHVN trên địa bàn và phân công đồng chí Chủ tịch Công đoàn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phát động tạo sự gắn kết các tổ chức Công đoàn Ngân hàng trên địa bàn chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Với một mô hình đa chiều như hiện tại, hoạt động công đoàn của ngành Ngân hàng đã tạo ra hiệu quả tích cực.
Đặc biệt thông qua khảo sát và làm việc với các công đoàn ngân hàng chưa tham gia sinh hoạt với Công đoàn NHVN cho thấy họ có nguyện vọng được gia nhập công đoàn ngành để nhận được chỉ đạo điều hành xuyên suốt cũng như gia tăng quyền lợi cho người lao động phù hợp với những đặc thù cho riêng ngành.
Tại Dự thảo Đề án Thí điểm mô hình công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả, qua nghiên cứu mô hình công đoàn ngành của Nhật Bản, Singapore và LO Nauy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm cho Công đoàn Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn ngành. Trong đó để phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn ngành tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, phù hợp xu hướng quốc tế, cần được nghiên cứu, đổi mới, thí điểm sắp xếp lại một số mô hình công đoàn ngành phù hợp với chuyên môn ngành nghề trên phạm vi cả nước. Thực chứng trên thế giới cũng cho thấy bài học kinh nghiệm: Thông qua hoạt động công đoàn ngành, công đoàn có điều kiện kề vai sát cánh với chuyên môn, hoạt động công đoàn được tập trung, được chuyên sâu hơn. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ được hiện thực hóa và được triển khai thực hiện sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả theo ngành nghề; vận động đoàn viên, người lao động yêu ngành, yêu nghề, hăng say lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành nghề, tăng thu nhập, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động…
Bởi vậy, góp ý cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Dự thảo Kế hoạch, Đề án Thí điểm mô hình công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt, tinh gọn, hiệu quả, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị: “Nhanh chóng hoàn thiện và thông qua Kế hoạch, và Đề án thí điểm để triển khai sớm nhất có thể, đưa Nghị quyết số 02- NQ/TW vào cuộc sống. Với ngành Ngân hàng sẵn sàng và có những điều kiện thực hiện đề án này nhanh nhất đáp ứng ý nguyện của đoàn viên, người lao động và đặc thù tính chất ngành nghề”.