Công nghiệp điện tử Việt Nam nắm bắt cơ hội lớn
Nhìn nhận về ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, những con số trên cho thấy đóng góp của ngành điện tử vào giá trị xuất khẩu cũng như cân đối cán cân thương mại cho cả nước là khá quan trọng. Có được kết quả này là do chính sách hợp lý trong việc thu hút đầu tư FDI một cách chọn lọc. Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của ngành điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, nhất là sau đại dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị gần đây đã làm thay đổi, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Hương nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều hãng, doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới dịch chuyển vào Việt Nam |
Từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều hãng, doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới dịch chuyển vào Việt Nam, tìm kiếm cơ hội sản xuất và triển khai chuỗi cung ứng, kéo theo một loạt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thế giới. Một ví dụ là hãng sản xuất chip Amkor vừa gia tăng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, việc các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, điện tử.
Ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á- Thái Bình Dương (ITAP) cho biết, doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống. Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Canon… điều đó chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực. Cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử là rất lớn.
Sau dịch Covid-19, thói quen và hành vi tiêu dùng mới đã được hình thành, thay đổi lớn. Khách hàng đã chuộng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, thanh toán online, chuyển khoản. Đặc biệt người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của các sản phẩm, thiết bị điện tử hơn là các thiết bị cao cấp. Đây là những vấn đề quan trọng quyết định cạnh tranh mà các nhà sản xuất điện tử cần chú ý để điều chỉnh định hướng tổ chức, năng lực sản xuất các thiết bị điện tử, chú trọng chất lượng, ứng dụng thực tế, cũng như giá cả cạnh tranh hợp lý.
Mặc dù vậy, dự báo xu hướng nền kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn tiếp tục khó khăn, nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ cao. Điều này phần nào ảnh hưởng, tác động đến ngành công nghiệp điện tử mà một trong những rủi ro thách thức hiện nay chính là vấn đề an ninh chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ.