CPI tháng 8 tăng 0,45%: Sức ép vẫn còn ở phía trước
Đóng góp vào mức tăng của CPI tháng này, có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12%.
Tổng cục Thống kê giải thích thêm, nguyên nhân là do giá thịt lợn tăng 3,41% so với tháng trước nên giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng tăng lên; giá rau xanh tăng 2,87% do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét…
Mức tăng mạnh của CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống làm CPI chung tăng 0,25%.
Ở các nhóm còn lại, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 0,46% do trong tháng có 14 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí; nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0,44% do giá gas tăng 2,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá gas vào thời điểm 1/8/2018...
Với diễn biến giá cả trong tháng qua, CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng lên mức 3,52%, từ 3,45% trong tháng 7/2018, tiếp tục kéo hẹp khoảng cách đến mục tiêu kiểm soát CPI bình quân tăng 4% của năm nay.
Nhìn về phía trước, lạm phát không chịu tác động của chính sách tiền tệ. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Các mức tăng này tương đối ổn định trong thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, CPI tháng 9 sẽ phải đối mặt với rủi ro tăng cao, khi các trường học trong cả nước chính thức bước vào năm học mới và học phí, thiết bị và đồ dùng học tập bước vào chu kỳ tăng giá, vừa theo lộ trình đặt ra, đồng thời do nhu cầu mua sắm tăng nhanh.