CPPIB muốn đầu tư vào các thị trường mới nổi
Ngành công nghiệp Ấn Độ đang “đói” vốn |
Ban Đầu tư Kế hoạch hưu trí Canada (CPPIB) quản lý khoảng 434,4 tỷ đô la Canada (tương đương 329,75 tỷ USD) tính đến ngày 30/6. Phần lớn các khoản đầu tư của họ là ở Bắc Mỹ khoảng 34% tổng tài sản được phân bổ ở Hoa Kỳ và tiếp theo là châu Á.
Ông Suyi Kim, CEO của CPPIB khu vực châu Á-Thái Bình Dương, họ dự kiến sẽ đầu tư tới 1/3 quỹ vào các thị trường mới nổi vào năm 2025 và Ấn Độ là một thành phần quan trọng trong đó. Các khoản đầu tư của quỹ ở Ấn Độ được dàn trải cho các loại tài sản khác nhau bao gồm cơ sở hạ tầng, bất động sản, cổ phần công và tư nhân, các quỹ và các khoản đồng đầu tư và tín dụng. Thực trạng tiêu dùng nội địa, các sản phẩm công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ việc tăng trưởng nhiều lĩnh vực và các cơ hội hấp dẫn đã dẫn đến việc quỹ xem xét quyết định tập trung vào thị trường Ấn Độ.
Theo Mark Machin, Giám đốc điều hành của quỹ, quỹ hưu trí đang xem xét việc nắm giữ trái phiếu của mình với điều kiện lãi suất gần bằng không. Một số khoản đầu tư của họ ở Ấn Độ bao gồm cả cổ phần đầu tư vào Ngân hàng Kotak Mahindra cũng như 225 triệu USD cho Quỹ Hồi sinh Ấn Độ.
Vào tháng 12/2019, CPPIB cho biết, họ đã đồng ý đầu tư lên tới 600 triệu USD vào quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng quốc gia của Ấn Độ, bao gồm cam kết 150 triệu USD trong quỹ chính của NIIF và quyền đồng đầu tư lên tới 450 triệu USD cho các cơ hội trong tương lai.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Nam Á này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vài năm qua sau những cải cách quan trọng về lĩnh vực tiền tệ và thuế, đây được cho là nguyên nhân đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như người dân trong khu vực phi chính thức.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm nay đã làm mất đi những dấu hiệu phục hồi ban đầu khi Ấn Độ phải tiến hành phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 đến tháng 5 như một phần trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện đây là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ, với hơn 5,9 triệu trường hợp được báo cáo là mắc bệnh và hơn 94 nghìn trường hợp tử vong. Tăng trưởng trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm 23,9%.
Khu vực tài chính của Ấn Độ đã rơi vào khủng hoảng trong vài năm, nay lại phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng doanh số cho vay khi phải đối mặt với sự gia tăng nợ xấu từ các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Các chuyên gia tài chính trước đó đã phát biểu với CNBC, rằng nếu quyết định ngừng cho vay đối với những người đi vay có điểm tín dụng thấp hoặc tính lãi suất cao hơn nhiều đối với các khoản vay, thì lại có thể làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Kim, mặc dù các vấn đề khó khăn trong ngành dịch vụ tài chính đang trở nên trầm trọng hơn do tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, thì lĩnh vực này cũng vẫn mang lại những cơ hội đầu tư thú vị để cung cấp nguồn vốn dài hạn, ổn định cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của Ấn Độ.
Tuần trước, cơ quan xếp hạng S&P Global cho biết, lĩnh vực ngân hàng của Ấn Độ, vốn đã bước vào đại dịch với chất lượng tài sản kém hiệu quả, sẽ phục hồi chậm lại trước khả năng Covid có thể kéo dài đến năm 2023.
Cơ quan này cũng đã có các đánh giá tiêu cực đối với các ngân hàng Ấn Độ và cả các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại quốc gia này vì khủng hoảng. Cũng theo đánh giá của tổ chức xếp hạng này, ngành ngân hàng Ấn Độ được đánh giá là sẽ cần thời gian hồi phục lâu hơn.
Ngoài Ấn Độ, CPPIB còn nhìn thấy các cơ hội đầu tư khả quan vào Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, ông Kim cho biết thêm.