Cú hích cho đội ngũ doanh nghiệp
Ảnh minh họa |
Luật DN và Luật Đầu tư 2014 được giới chuyên môn, cộng đồng DN nhìn nhận là có bước tiến dài với nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thông thoáng hơn cho DN, chuyển từ chế độ “chọn – cho” sang chế độ “chọn - bỏ”. Trong đó, nội dung thay đổi lớn nhất của Luật Đầu tư là quy định về cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Trước đây, DN chỉ được đầu tư kinh doanh những gì nhà nước cho phép thì nay, ngoài 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN được tự do đầu tư kinh doanh những ngành nghề khác mà luật không cấm. Quy trình thủ tục đầu tư cũng thay đổi theo hướng thuận lợi, đơn giản hơn.
Kế đến là quy định không ghi vốn pháp định trong giấy đăng ký kinh doanh; cho DN quyền không sử dụng con dấu hoặc sử dụng nhiều hơn 1 con dấu; có thể có nhiều người đại diện cho pháp luật… Ngoài ra, quy định về quản trị DN cũng khác, thoáng hơn, đem lại quyền tự chủ cao cho DN, giúp hoạt động dễ dàng hơn.
Đón nhận sự kiện này, ở góc độ DN, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP XNK N.P.T cho biết, DN đã từng gặp rắc rối liên quan đến con dấu. Cụ thể, công ty N.P.T đã xây dựng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP (là những tiêu chuẩn do nước ngoài chứng nhận nên không có đóng dấu trên giấy chứng nhận), khi mang các giấy chứng nhận này đi công chứng thì phòng công chứng không nhận, mà hướng dẫn đi lòng vòng qua phòng tư pháp, lãnh sự quán của nước cấp chứng nhận làm một số thủ tục xác nhận… rồi sau đó mới công chứng được.
Về chuyện này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong Luật Đầu tư sửa đổi, các nội dung quy định khá chi tiết và cụ thể. Do đó, chỉ cần biểu mẫu là DN có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các hướng dẫn; vì vậy, hướng dẫn sắp ban hành chỉ mang tính chất làm rõ hơn một số nội dung của luật.
Theo ông Tuấn, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai để bảo đảm ngày 1/7, tất cả quy định về 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được công bố. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đăng tải dự thảo biểu mẫu và tích cực hoàn thiện để có thể có biểu mẫu ngay thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chưa thể hình dung được nếu luật có hiệu lực mà chưa có nghị định hướng dẫn thì sẽ thực hiện thế nào. “Thời gian đầu sẽ có sự chậm trễ trong việc thực hiện theo luật mới. Ít nhất phải từ 6 tháng tới 1 năm thì luật mới đi vào đời sống được. Luật mới rất thoáng, chính sách nhà nước cũng thoáng nhưng quan trọng là người thực hiện chính sách mới như thế nào. Tôi đang lo các ngành sẽ ban hành nhiều giấy phép con, điều kiện, giới hạn… gây khó cho DN”, ông Quốc Anh nói.
Ở cách nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến chia sẻ, luật mới ban hành “cởi trói” cho nhiều DN, vấn đề là làm sao DN tận dụng được sự “cởi trói” này để sáng tạo, nâng cao tinh thần chủ động và chọn cho mình mô hình hoạt động hiệu quả. Bất kỳ luật nào ra đời cũng phải có giai đoạn chạy thử nghiệm. Trong giai đoạn này, không chỉ các cơ quan Nhà nước mà các DN cũng phải tìm hiểu kỹ 2 luật mới.
Hiện các DN, đặc biệt là các DNNVV, còn lúng túng, chưa cập nhật hết những thay đổi trong luật mới, thói quen “xin – cho” giữa DN và cán bộ quản lý nhà nước đã duy trì một thời gian dài nên thời gian đầu có thể lúng túng, chưa quen. Để chủ động hơn, DN nên cố gắng tiếp cận luật càng sớm càng tốt; cơ quan quản lý tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhiều hơn cho DN.
Để luật đi vào cuộc sống thì rất cần việc tuyên truyền, phổ biến luật, tinh thần luật được truyền tải đúng và đầy đủ đến những người áp dụng, bao gồm cả cơ quan Nhà nước, người dân và DN, ông Quách Ngọc Tuấn nhấn mạnh.