“Cú sốc” thuế đối với ngành bia, rượu
Cần cân nhắc thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt Ngành đồ uống có cồn tìm hướng đi mới trên sàn thương mại điện tử |
Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn (bia, rượu) liên tục gặp khó khăn về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Theo bà, đâu là nguyên nhân chính của vấn đề này?
Thực sự ngành đồ uống đã phải đón nhận “nhiều cú sốc” liên tục trong thời gian mấy năm gần đây, vừa đi qua đại dịch, chưa kịp phục hồi thì Quy định 'nồng độ cồn bằng 0' thực thi gắt gao trong thời gian dài tác động tới doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia vốn đã chịu nhiều hạn chế ít nhất từ 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.
Năm 2023, doanh nghiệp ngành chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm từ một đến hai con số lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, điều này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành đồ uống buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, cắt giảm nhiều lao động, đóng cửa các văn phòng khu vực, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, gây ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội ở các địa phương, ảnh hưởng tới ngân sách địa phương, tới người lao động.
Các doanh nghiệp sản xuất bia rượu hiện đang thích ứng ra sao trước những khó khăn?
Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng… góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, rà soát qua các năm thì gần như rất ít có sự hỗ trợ nào đối với ngành sản xuất bia, rượu - một ngành đóng góp ngân sách lớn cho nền kinh tế. Điều này vô hình trung tạo sự thiệt thòi cho ngành kinh tế này.
Doanh nghiệp ngành đồ uống đã phải tự vật lộn với những khó khăn để duy trì sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí, giảm lợi nhuận… không dám tăng giá bán, vì thu nhập giảm sút nên người dân ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) |
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình 2026 - 2030 với mức thuế cao nhất lên tới 100%. Nếu quy định này được áp dụng sẽ tác động ra sao đến các doanh nghiệp?
Đây là cú tăng “sốc” lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia. Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành vô cùng bất ngờ với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lần này trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất. WHO là tổ chức Y tế thế giới đưa ra những khuyến cáo chung cho những nước có điều kiện và phát triển kinh tế khác nhau và không cụ thể cho Việt Nam. Theo tôi, Các đề xuất cần phải được căn cứ và đánh giá đúng với thực trạng ở Việt Nam, nghiên cứu tính khả thi khi thực hiện, khuyến cáo của WHO chỉ dùng để tham khảo.
Nếu quy định này có hiệu lực, chúng tôi cũng chưa hình dung và đánh giá được các tác động rất lớn của nó sẽ như thế nào đối với không chỉ doanh nghiệp trong ngành đồ uống mà kéo theo cả việc làm của người lao động, an sinh xã hội, ngân sách địa phương cùng với cả một hệ sinh thái chuỗi mà ngành đồ uống tạo ra thậm chí ảnh hưởng tới niềm tin và môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả… Việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu…
Theo khảo sát thực tế tại một số địa phương hiện nay, tình hình các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm bia nhái các thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ, gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu đó khoảng 200-300 triệu lít.
Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng. Vì tầm quan trọng của chính sách này đối với ngành sản xuất bia, rượu, Hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ có văn bản góp ý chính thức gửi tới Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội cân nhắc xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.
Theo bà Chu Thị Vân Anh, các cú sốc thuế (tax shock) là hiện tượng mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải đối mặt khi có sự thay đổi đột ngột trong chính sách thuế, gây ra tác động đáng kể đến tài chính từng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính sách công. Nguyên nhân của các “cú sốc thuế” có thể xuất hiện khi chính phủ thực hiện các thay đổi thuế bất ngờ, như tăng thuế, giảm các khoản miễn thuế, hoặc thay đổi các quy định liên quan đến thuế. Malaysia đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 và 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ. Thay vào đó, nó tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị làm mất nguồn thu của chính phủ, đóng cửa các nhà máy hợp pháp và mất việc làm của công nhân địa phương. |