Cùng hành động vì quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam
Đây là sự kiện thường niên, thể hiện dấu ấn nổi bật của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay.
Thông điệp “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến. Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Các đại biểu nhấn nút khởi động Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. |
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2022, mặc dù bị tác động tiêu cực của dịch bệnh, song công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nổi bật như Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, được xã hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao về chất lượng và tiến độ.
Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm, chú trọng. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cũng đã xác định rõ xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội... tổ chức triển khai thực hiện.
“Việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.
Trong thời gian tới UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ để các chương trình trong năm 2023 được tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực, như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công thương và Thành ủy, UBND thành phố trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú;
Tổ chức 65 chương trình, sự kiện của ngành Công Thương nhằm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch kích cầu của thành phố và tri ân người tiêu dùng…
Trong khuôn khổ Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2023 của thành phố với thông điệp “Thông tin minh bạch – tiêu dùng an toàn”, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 9/3 đến ngày 14/3/2023 tại Công viên Thống nhất với quy mô 140 gian hàng. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân (tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm) được tổ chức tập trung nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng. Giải chạy vì “Người tiêu dùng” diễn ra ngày 11/3/2023 tại Công viên Thống nhất với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương; các hội, hiệp hội; các doanh nghiệp và người tiêu dùng… |